Xã hội

Quan tâm tôn tạo phần mộ các anh hùng liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đồng bào dân tộc Jrai có tập tục làm lễ bỏ mả (pơ thi) để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Riêng đối với các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), sau khi làm lễ bỏ mả, bà con vẫn thường xuyên lui tới chăm sóc, tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ dân làng, quê hương, Tổ quốc.

Sáng mãi những chiến công

Anh hùng Kpuih Thu (1925-2018) sinh ra và lớn lên ở làng Tel Yố, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông xung phong đi làm liên lạc rồi trực tiếp cầm súng đánh giặc. Đơn vị của ông phối hợp với các lực lượng chính quy nhiều lần chiến đấu tại các xã: Ia Hlốp, Ia Blang, Ia Ko, Ia Glai và trên quốc lộ 14, ngã ba Cheo Reo (huyện Chư Sê), Phú Nhơn (huyện Chư Pưh), ngã ba Phú Mỹ (Ia Băng, huyện Chư Prông), Plei Me-Bàu Cạn (huyện Chư Prông)... Năm 1964, ông nhận nhiệm vụ Xã đội trưởng xã E 14, huyện 5 (nay là xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Trong trận tấn công đoàn xe quân sự của địch tại khu vực suối Ia Hlốp, ông không may bị trúng đạn. Dù bị thương nặng nhưng ông vẫn cùng đồng đội anh dũng chiến đấu đánh tan quân địch. Lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND vào ngày 5-5-1965.

Anh hùng Rơ Châm Ớt-nguyên Xã đội trưởng B5, huyện 4 (nay là xã Ia Sao, huyện Ia Grai) nổi tiếng bởi sự gan dạ, một mình bắn 7 quả đạn B40, dùng lựu đạn diệt 8 mục tiêu và 50 tên địch. Những trận đánh phá ấp chiến lược Tân Gió, bảo vệ bà con ở các làng thuộc xã Ia Sao, xã Ia Yok, xã Ia Hrung… đến nay nhiều người hãy còn nhớ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông vinh dự được cử đi báo cáo điển hình toàn tỉnh, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 5-9-1970; xã B5 được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương đơn vị Thành đồng quyết thắng và được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND vào ngày 15-12-1971. Tự hào về truyền thống của gia đình và quê hương, bà Rơ Châm HPlurr-em gái của Anh hùng Rơ Châm Ớt-bộc bạch: “Bà con mình căm thù giặc vì chúng thường xuyên xông vào các làng giết người, đốt nhà, cướp của, bắt trâu bò. Bà con làm theo sự chỉ đạo của Đảng là đoàn kết lại, lánh vào rừng cùng làm cách mạng, đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Mình sinh năm 1952, ít hơn anh Ớt 5 tuổi. Anh Ớt to khỏe từ nhỏ, chạy nhanh, bắn giỏi, tiêu diệt nhiều tên địch. Mình và bà con ai cũng tự hào”.

 Ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) bên mộ Anh hùng Kpuih Thu. Ảnh: Hoàng Minh
Ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) bên mộ Anh hùng Kpuih Thu. Ảnh: Hoàng Minh


Anh hùng A Sanh (Puih San)-”Người lái đò trên sông Pô Cô” (làng Nú, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) sinh năm 1937 và mất năm 2000. Sau 3 năm tham gia du kích xã, năm 1961, ông gia nhập bộ đội chính quy, đơn vị T2C07, Mặt trận B3. Lập nhiều thành tích xuất sắc, ông được kết nạp vào Đảng năm 1965. Từ năm 1968 đến năm 1970, tổ chức đưa ông ra tỉnh Hòa Bình đào tạo sĩ quan quân đội. Sau đó, ông xung phong trở về đơn vị cũ chiến đấu, bảo vệ bà con dân làng. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông nổi tiếng với những thành tích chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội, lương thực, thực phẩm, vũ khí vượt sông Pô Cô hung dữ, trên đầu là mưa bom bão đạn của giặc. Xúc động và cảm phục trước hành động anh hùng đó, nhà thơ Mai Trang đã sáng tác bài thơ “Người lái đò trên sông Pô Cô” và sau đó được nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc, trở thành tác phẩm nổi tiếng trong lòng nhiều thế hệ. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND vào ngày 22-8-1998.

Chăm sóc phần mộ các anh hùng

Có dịp đến thăm viếng, chúng tôi thấy mộ các Anh hùng Kpuih Thu, Rơ Châm Ớt, A Sanh đều được xây dựng khang trang; chính quyền, gia đình và bà con thường xuyên chăm sóc chu đáo. Ông Nguyễn Ngọc Anh-Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Ia Grai-nhớ lại: “Trước năm 2006, mộ Anh hùng Rơ Châm Ớt và A Sanh nằm ở khu nhà mả của làng. Sau khi Báo Gia Lai đăng bài “Nên cất bốc hài cốt Anh hùng A Sanh về Nghĩa trang Liệt sĩ”, huyện Ia Grai phối hợp với gia đình và các cơ quan liên quan làm thủ tục chuyển phần mộ 2 người anh hùng về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Đây là việc làm thể hiện sự tri ân công lao đóng góp, chiến công xuất sắc của các anh hùng đối với quê hương, đất nước. Vào ngày lễ, Tết, phần mộ các anh hùng liệt sĩ đều được quét dọn, dâng hoa, thắp hương ấm cúng. Không kể gia đình, người thân, bà con dân làng mà nhiều du khách cũng đến viếng thăm, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, chiến công của các anh hùng. Địa phương chúng tôi cảm thấy vinh dự tự hào lắm”.

Trong khuôn viên cao ráo, phần mộ Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh được xây dựng khang trang, ốp đá granite đỏ rất đẹp, ở vị trí trang trọng bên cột cờ Tổ quốc, cùng với hơn 1.000 ngôi mộ liệt sĩ, trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Bà Siu HPil-vợ Anh hùng A Sanh-bày tỏ: “Lúc đầu nghe cán bộ vận động đưa hài cốt anh A Sanh lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện với các đồng đội, mình cảm thấy không yên tâm lắm. Nhưng sau đó được cán bộ vận động giải thích, mình hiểu và đồng ý. Mình mừng cho anh vì khi mất được Đảng, Nhà nước quan tâm làm cho ngôi mộ  khang trang, quây quần cùng với các liệt sĩ vốn cũng là bà con làng mình, dân tộc mình, đất nước mình”.

Mộ Anh hùng Kpuih Thu cũng được xây dựng kiên cố ở Nghĩa trang xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Vợ con ông và dân làng đã góp tiền làm lễ bỏ mả theo phong tục, tập quán của người Jrai. Ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp-cho biết: “Anh hùng Kpuih Thu không chỉ giỏi đánh giặc mà còn làm kinh tế giỏi và thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo. Bởi vậy, khi về với thế giới Atâu (thế giới của hồn ma), dân làng vẫn nhớ công ơn của ông. Xã đã đề nghị cấp thẩm quyền đưa hài cốt Anh hùng Kpuih Thu về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện để tổ chức thăm viếng, chăm sóc”.

 

HOÀNG CƯ

 

Có thể bạn quan tâm