Chiều nay (28.12), tại An Giang, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979-7.1.2019)”.
Đến dự có Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Quân khu, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh An Giang, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học và các nhân chứng lịch sử…
Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, dân tộc ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu để có ngày chiến thắng 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi cả nước đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh thì tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia.
“Chỉ trong vòng 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã tàn sát gần 3 triệu người dân Campuchia, xoá bỏ hầu hết các cơ sở vật chất, xã hội và đẩy dân tộc Khơ –me trước thảm họa diệt vong. Riêng đối với dân tộc Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân đến đó, có cả người già, phụ nữ, trẻ em, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, Thượng tướng Lê Chiêm nói.
Quang cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979-7.1.2019)”.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, thời gian này, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng, cùng với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc tấn công, phản công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7.1.1979. Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn và gian khổ trên, biết bao cán bộ, chiên sĩ Việt Nam đã hy sinh và để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường.
Thượng tướng Lê Chiêm nhận định, sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam – Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc.
Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân chứng lịch sử chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thông tin với phóng viên bên lề hội thảo.
Cũng tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. “Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc mà còn cứu nhân dân Campuchia thót khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, qua đó giúp tăng tình đoàn kết, chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân chứng lịch sử chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam phát biểu tại hội thảo: “Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi được phân công tiếp tục ở lại Trung đoàn 1 U Minh, sau đó là Sư đoàn 4 của Quân khu 9 tham gia tiếp quản các địa phương xây dựng chính quyền mới và giúp nhân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ ổn định cuộc sống. Lúc này, tôi còn trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu chống sự xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari, giành lại chủ quyền các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà trên vùng biển Tây Nam và bảo vệ tuyến biên giới từ Tịnh Biên (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang)”.
“Trước đòi hỏi cấp bách của tình hình bảo vệ biên giới Tây Nam, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Sư đoàn 330 (từ các đơn vị của Khu 8 và Khu 9 cũ) và tôi được bổ nhiệm làm Sư đoàn phó tham mưu trưởng. Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn 330 khẩn trương tổ chức các thế trận phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu, cơ động tác chiến đánh bại các đợt tiến công của địch, bảo vệ nhân dân tuyến biên giới…”, Đại tướng Phạm Văn Trà nói.
Hội thảo khoa cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979-7.1.2019)” có gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học. Nội dung các báo cáo, tham luận là phân tích, lý giải toàn diện các mặt của cuộc chiến tranh Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, đồng thời cũng là dịp tri ân những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. |
Huỳnh Xây (Dân Việt)