Kinh tế

Doanh nghiệp

Quốc Cường Gia Lai lãi vài tỉ, Đức Long Gia Lai khả năng trả nợ yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cả 2 đại gia phố núi là Quốc Cường Gia Lai và Đức Long Gia Lai đều báo lãi giảm sâu trong quý I/2023. Trong đó, Đức Long Gia Lai lâm vào cảnh khả năng trả nợ yếu.
Một dự án của Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Chụp màn hình.

Một dự án của Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Chụp màn hình.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, ghi nhận doanh thu đạt 166 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh khiến doanh nghiệp chỉ thu về hơn 16 tỉ đồng lãi gộp, giảm 39%. Sau khi khấu trừ mọi chi phí, QCG báo lãi sau thuế 3 tháng đầu năm xấp xỉ chỉ 1 tỉ đồng, giảm sâu so với con số gần 13 tỉ đồng trong quý I/2022.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính QCG, lợi nhuận công ty giảm trong kỳ chủ yếu là do ảnh hưởng từ tình hình bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Tính đến ngày 31.3.3023, tổng tài sản của QCG đạt 9.733 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; trong đó hàng tồn kho chiếm tới 73% tổng tài sản với 7.093 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 68% xuống 24,5 tỉ đồng; phải trả trước cho người bán ngắn hạn gần như không biến động với 192 tỉ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của QCG giảm nhẹ xuống 5.393 tỉ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 5.000 tỉ đồng.

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, một đại gia phố núi khác cũng báo lợi nhuận giảm sâu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG). Theo đó, kết thúc quý I/2023, doanh thu DLG đạt 223 tỉ đồng, giảm 36% so với quý I/2022, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 7 tỉ đồng, giảm 42%.

Được biết, năm 2023, ban lãnh đạo DLG đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 1.800 tỉ đồng và 100 tỉ đồng, trong đó doanh thu tăng gần 34% so với thực hiện 2022. Với kết quả trong quý I/2023, DLG mới chỉ hoàn thành được 12% kế hoạch doanh thu và cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận.

Với nợ ngắn hạn lên đến 2.572 tỉ đồng, nợ ngắn hạn của DLG vượt tài sản ngắn hạn (1.910 tỉ đồng), cho thấy khả năng trả nợ yếu của doanh nghiệp. Ảnh: Chụp màn hình

Với nợ ngắn hạn lên đến 2.572 tỉ đồng, nợ ngắn hạn của DLG vượt tài sản ngắn hạn (1.910 tỉ đồng), cho thấy khả năng trả nợ yếu của doanh nghiệp. Ảnh: Chụp màn hình

Tại ngày 31.3.2023, tổng tài sản DLG đạt 5.595 tỉ đồng, biến động không đáng kể sau 3 tháng. Trong đó, tài sản ngắn hạn có 1.736 tỉ đồng, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với 1.306 tỉ đồng. Tài sản dài hạn có 3.859 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 3, tổng nợ phải trả DLG còn 4.482 tỉ đồng. Bao gồm nợ ngắn hạn 2.572 tỉ đồng và 1.910 tỉ đồng nợ dài hạn.

Như vậy, nợ ngắn hạn tại DLG vượt tài sản ngắn hạn, đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại DLG là 0,67.

Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.

Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Có thể bạn quan tâm