“Sau phiên làm việc về kinh tế- xã hội sẽ có nhiều ý kiến đề xuất, chúng tôi sẽ tập hợp lại, lựa cho 6 – 7 vấn đề xin ý kiến đại biểu, để lựa chọn ra 4 vấn đề chất vấn tại kỳ họp này”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý
Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14. Trao đổi với PV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trọng tâm kỳ họp này là vấn đề lập pháp.
Cụ thể, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Thời gian còn lại liên quan đến vấn đề chất vấn, giám sát chuyên đề và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Liên quan đến việc chất vấn, ông Phúc cho biết, kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề. Trên cơ sở thực tiễn và ý kiến của đại biểu Quốc hội để từ đó lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn. Như thường lệ, sau phiên chất vấn Quốc hội sẽ ra nghị quyết, để đến cuối nhiệm kỳ sẽ chất vấn lại. “Nếu vấn đề chưa được giải quyết, sang nhiệm kỳ sau tiếp tục chất vấn đến bằng xong thì thôi”, ông Phúc nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, vào trước kỳ họp, đoàn thư ký Quốc hội đã có văn bản sớm, gửi cho các đoàn và đại biểu Quốc hội đề xuất nhóm vấn đề chất vấn. Hiện một số đoàn và đại biểu đã gửi văn bản về một số vấn đề quan tâm tại kỳ họp này. “Tuy nhiên sau phiên làm việc về kinh tế- xã hội sẽ có nhiều ý kiến đề xuất. Chúng tôi sẽ tập hợp lại, lựa cho 6 – 7 vấn đề xin ý kiến đại biểu, để lựa chọn ra 4 vấn đề chất vấn tại kỳ họp này”, ông Phúc nói.
Trước đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày (không kể ngày nghỉ), khai mạc sáng ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6. Theo thông lệ chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019.
Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020…
Luân Dũng (TPO)