Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quy định đất ở mới được làm dự án làm khó doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quy định chủ đầu tư có loại đất khác (không có đất ở) dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất vẫn không được làm dự án nhà ở, đang khiến hàng trăm dự án đắp chiếu chờ gỡ vướng.
Rất nhiều dự án không thể triển khai do vướng quy định về đất ở. Ảnh: Gia Miêu

Rất nhiều dự án không thể triển khai do vướng quy định về đất ở. Ảnh: Gia Miêu

UBND TPHCM vừa có văn bản số 588/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi tại cuộc họp tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Theo thông báo kết luận, đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) làm việc và thông báo cho nhà đầu tư rằng dự án không đáp ứng cơ sở pháp lý để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư theo phương án đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong trường hợp nhà đầu tư vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Chủ đầu tư của một dự án ở TP Thủ Đức nằm trong danh sách 41 dự án nói trên cho biết, trong thời gian qua, chủ đầu tư đi “gõ cửa” từng cơ quan, nhưng hầu hết đều cho biết tất cả hồ sơ pháp lý liên quan phải ngưng lại do vướng mắc về chính sách pháp luật và phải chờ đợi để được tháo gỡ. Chính vì bị vướng mắc, nên ngày 4.4.2020, UBND TPHCM đã có Văn bản 1225/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị rà soát lại chính sách pháp luật và xin ý kiến hướng dẫn để tiếp tục cho thực hiện đối với 63 dự án bất động sản. Được biết, dự án của công ty này đã tiến hành triển khai một số hạng mục như san lấp, ký kết hợp tác với các đối tác… trong lúc chờ đợi hoàn thiện thủ tục.

Sở công bố các dự án không đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư do vướng Luật Nhà ở là những dự án chỉ có đất nông nghiệp và các loại đất khác mà không dính đất ở. Trong khi Luật Đất đai 2014, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành năm 2022 thì cho doanh nghiệp mua các loại đất, kể cả đất nông nghiệp để phát triển dự án miễn phù hợp quy hoạch. Như vậy có thể thấy Luật Nhà ở đang có độ chênh với Luật Đất đai và Nghị quyết 18, vị chủ đầu tư này nêu quan điểm.

Việc không chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án vì không có đất ở xuất phát từ lo ngại các chủ đầu tư gom đất nông nghiệp để làm dự án bất động sản tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng vì điều này, bởi hiện nay ở hầu hết địa phương đã có quy hoạch chung 1/5.000, 1/2.000.

Còn với giải pháp như thành phố đưa ra là chuyển sang xây nhà ở xã hội, theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp cũng khó khả thi với bài toán chi phí và kế hoạch kinh doanh của từng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy từ nhiều năm trước, nhiều dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, chủ đầu tư triển khai cùng lúc nhiều thủ tục, kể cả huy động vốn dưới nhiều hình thức khi chưa đủ điều kiện. Chính vì vậy, mặc dù dự án được đưa ra thị trường, san lấp, xây dựng hạ tầng… nhưng thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, cho đến thời điểm hiện nay, Sở KHĐT đề xuất các nội dung trên khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế “việt vị”.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đã có kiến nghị cần thiết bổ sung trở lại quy định cho phép tổ chức kinh tế được mua đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, với điều kiện được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Sau khi mua đất nông nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Có thể bạn quan tâm