Xã hội

Quy định tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới có gì mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông.

 

Thông tư 31/2019 quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông vừa được Bộ GTVT ban hành quy định cụ thể hơn cho các chủng loại xe với các mức tốc độ tương ứng - Ảnh minh họa
Thông tư 31/2019 quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông vừa được Bộ GTVT ban hành quy định cụ thể hơn cho các chủng loại xe với các mức tốc độ tương ứng - Ảnh minh họa



Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 tới, sẽ thay thế Thông tư 91/2015, quy định chi tiết hơn đối với tốc độ tối đa được phép của từng loại phương tiện. Thông tư 31/2019 còn quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ cụ thể của xe, trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền quản lý và đặt biển báo tốc độ ở từng loại đường cụ thể.

Đối với quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông, quy định tại Thông tư 31/2019 vẫn giống như quy định hiện hành, nhưng cụ thể hơn với từng chủng loại xe với các mức tốc độ tương ứng.

Xe đi trong khu đông dân cư, có 1 làn xe cơ giới chỉ được chạy tối đa 50km/h

Cụ thể: Thông tư quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn là 90 km/h tại đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên. Tại đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới, các loại xe trên được chạy với tốc độ tối đa là 80km/h.

Đối với xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc) được phép lưu thông với vận tốc tối đa 80 km/h tại đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên. Tại đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới được chạy với tốc độ tối đa là 70km/h.

Xe ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông) lưu thông với vận tốc tối đa 70 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; Tối đa 60km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Xe ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc lưu thông với vận tốc tối đa 60 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; Tối đa 50km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Đối với tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên là 60 km/h. Tại đường hai chiều; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, vận tốc tối đa 50 km/h. Riêng xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa cho phép là 40 km/h.

Xe chạy từ 100 -120km/h phải giữ khoảng cách tối thiểu với xe đi trước 100m

Cùng đó, Thông tư 31/2019 cũng quy định về khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông.

Cụ thể: Xe chạy với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu sẽ là 35 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 60 km/giờ và nhỏ hơn hoặc bằng 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 80 km/giờ và nhỏ hơn hoặc bằng 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 m. Xe chạy với tốc độ lớn hơn 100 km/giờ và nhỏ hơn hoặc bằng 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m.

 

Trần Duy (baogiaothong)

Có thể bạn quan tâm