Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm vào chiều 7/5 vừa qua.
Bảo đảm phát triển dài hạn
CHK Buôn Ma Thuột cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 7 km về phía đông nam, có diện tích 256 ha. Thời gian qua, CHK Buôn Ma Thuột đã có sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo trước đây.
Cụ thể, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 xác định mục tiêu quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, tại Quy hoạch tổng thể CHK Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 978/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2006 của Bộ GTVT, giai đoạn đến năm 2015, tổng công suất chỉ 300.000 hành khách/năm, giai đoạn đến năm 2025 là 800.000 hành khách/năm.
Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ được điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Gia |
Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn và tỉnh Đắk Lắk xác định việc điều chỉnh Quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết. Việc điều chỉnh này nhằm đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, 10 nghìn tấn hàng hóa/năm; định hướng đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm, 15 nghìn tấn hàng hóa/năm. Đồng thời đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Công ty TNHH Một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC cho biết, về điều chỉnh quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột, đơn vị tư vấn đã tính toán và đưa ra các phương án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hàng không dân dụng của địa phương.
Theo đó, đối với khu bay, đơn vị tư vấn đưa ra ba phương án, trong đó kiến nghị lựa chọn phương án 1: giữ nguyên đường cất hạ cánh, đường lăn nối, sân đỗ máy bay hiện hữu, xây dựng đường lăn song song, 7 đường lăn nối, 2 đường lăn thoát nhanh ở hai đầu đường cất hạ cánh hoặc khi có nhu cầu, mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách về phía tây (nhà ga hiện hữu), đến năm 2030 tổng công suất 5 triệu hành khách/năm.
Đề xuất nắn tuyến đường nối đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để thuận lợi cho việc phát triển dài hạn của CHK. Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng khai thác với công suất quy hoạch 7 triệu hành khách/năm và có khả năng mở rộng lên 10 triệu hành khách/năm khi có yêu cầu.
Ưu điểm của phương án này là kết nối nhà ga T1 và T2 thuận lợi, đáp ứng yêu cầu khai thác theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050; có dự phòng quỹ đất để phát triển cho tầm nhìn dài hạn khi công suất CHK đạt 10 triệu hành khách/năm. Nhược điểm cần phải phối hợp với tỉnh nắn tuyến đường nối đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để đảm bảo chiều sâu phát triển sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô phục vụ phát triển dài hạn cho CHK.
Theo đánh giá của Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) Nguyễn Bách Tùng, mỗi phương án về việc điều chỉnh Quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Song phương án trên là phương án tối ưu vì có kết nối nhà ga T1, T2 thuận lợi, có diện tích chiếm đất ít nhất trong ba phương án, đồng thời đảm bảo phát triển dài hạn của CHK Buôn Ma Thuột.
Kiến trúc nhà ga mang đặc trưng Tây Nguyên
Về điều chỉnh quy hoạch nhà ga sân bay, tư vấn cũng đưa ra ba phương án, trong đó kiến nghị lựa chọn phương án 1: Thời kỳ 2021 – 2030, cải tạo, nâng cấp nhà ga T1 khi có nhu cầu, đảm bảo khai thác công suất 2 triệu hành khách/năm. Quy hoạch nhà ga hành khách mới T2 đáp ứng tối thiểu 3 triệu hành khách/năm, kết nối với nhà ga hiện hữu T1 bằng đường dẫn dài khoảng 240 m, tổng công suất 5 triệu hành khách/năm.
Thời kỳ sau 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 thêm 2 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất quy hoạch là 5 triệu hành khách/năm, tiếp tục sử dụng nhà ga hiện hữu T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất nhà ga T1+T2 là 7 triệu hành khách/năm.
Hành khách ở khu vực sảnh ra Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. |
Ưu điểm của phương án này đáp ứng yêu cầu khai thác theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050; có dự phòng quỹ đất để phát triển cho tầm nhìn dài hạn khi công suất CHK đạt 10 triệu hành khách/năm. Nhược điểm do bị ảnh hưởng tuyến đường nối theo định hướng của tỉnh nằm sâu vào diện tích quy hoạch tại Quyết định số 978 nên cần phải đề xuất và phối hợp với tỉnh nắn tuyến đường nối đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để đảm bảo chiều sâu phát triển sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách.
Về quy hoạch giao thông kết nối, tư vấn đề xuất phương án làm đoạn đường nối dài 4,5 km nối điểm đầu cao tốc với đại lộ Đông Tây cắt qua một phần của ranh giới quy hoạch theo Quyết định số 978. Cụ thể việc điều chỉnh tuyến đường nối đoạn qua CHK Buôn Ma Thuột cách mép sân đỗ hiện hữu khoảng 450 m (giữ nguyên điểm đầu tuyến và cuối tuyến đường nối) để đảm bảo quỹ đất quy hoạch bố trí nhà ga hành khách và các công trình phục vụ mặt đất đồng bộ tại CHK Buôn Ma Thuột. Theo tính toán tầm nhìn đến năm 2050 với công suất quy hoạch của CHK Buôn Ma Thuột là 7 triệu hành khách/năm, do đó trong hồ sơ quy hoạch, tư vấn đề xuất kết nối giao thông của CHK Buôn Ma Thuột với tuyến đường nối cao tốc Khánh Hòa– Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây là kết nối đồng mức.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá, hàng không là lĩnh vực liên quan đến du lịch rất nhiều, Thứ trưởng ví von “hàng không với du lịch như một cặp vợ chồng, nếu du lịch phát triển thì hàng không sẽ phát triển, nếu du lịch ảm đạm thì hàng không cũng thế”. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật thêm thực trạng, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk để đưa ra thiết kế điều chỉnh quy hoạch CHK Buôn Ma Thuột phù hợp. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc thiết kế khu nhà ga hành khách có kiến trúc tôn lên vẻ đẹp, văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.