Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thứ trưởng Bộ GTVT: Đến năm 2030 sẽ có tới 30 cảng hàng không, sân bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay trong giai đoạn tới sẽ là tiền đề cho việc đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 hình thành 30 cảng hàng không và tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 cảng hàng không.

Đây là nội dung chính được Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng 14/7.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết cảng hàng không, sân bay liên hệ mật thiết với quốc phòng, an ninh. Quy hoạch hàng không là quy hoạch cuối cùng trong 5 lĩnh vực gồm đường bộ, đường thủy, hàng hải và đường sắt.

“Hàng không có ưu điểm đi nhanh, tiếp cận trung tâm kinh tế và quốc tế thuận lợi nhưng có nhược điểm như chi phí vận tải cao, đắt đơn cử như vé máy bay đi các tuyến đường bay vàng như Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh giá cũng không phải là rẻ,” ông Tuấn nhìn nhận.

Đánh giá hiện tại với 22 cảng hàng không và sắp tới có 30 cảng hàng không, thể hiện vai trò quan trọng của các cảng hàng không, tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Hàng không phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan để triển khai quy hoạch mạng cảng này và rà soát, tham mưu điều chỉnh vì quy hoạch này có tính rất mở.

“Việt Nam có tiềm năng phát triển vận tải hàng không rất lớn, do đó Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay là tiền đề cho việc đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Nếu kinh tế tại địa phương phát triển và có nhu cầu về cảng hàng không thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch,” Thứ trưởng Tuấn nói.

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện Đề án huy động các nguồn lực đầu tư vào các cảng hàng không và trình lên Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để hoàn thành mục tiêu trên, theo ông Tuấn, Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là nhiệm vụ lớn và thách thức nên rất cần có sự phối hợp đồng hành giữa các bộ, ngành, địa phương đồng thời đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để triển khai việc huy động nguồn lực đầu tư, quản lý quỹ đất, tĩnh không, phát triển nguồn nhân lực... nhằm hoàn thiện quy hoạch này.

Trước đó, trình bày bản quy hoạch các cảng hàng không, sân bay, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối vận tải chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, thời kỳ 2021-2030 hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 16 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).

Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Trong đó, vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ bổ sung thêm cảng hàng không thứ 2 để hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm, đáp ứng mục tiêu hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

“Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên sẽ đảm bảo đến năm2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới,” ông Thắng nói.

Có thể bạn quan tâm