(GLO)- Tập trung quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp... là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai trong năm học 2018-2019.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương đánh giá lại 5 năm thực hiện nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng cho năm học mới.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: N.G |
Kiên quyết đưa giáo viên vi phạm ra khỏi ngành Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT cần phát động phong trào thi đua trong các thầy cô, qua đó chấm dứt tình trạng ép học sinh đi học thêm, cho điểm, đẩy học sinh lên lớp dẫn đến việc ngồi nhầm lớp... Ai vi phạm thì cho ra khỏi ngành. Dù biết, một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai một thế hệ, phải kiên quyết làm việc này”. |
Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh ta đang nỗ lực quy hoạch lại mạng lưới trường lớp tại tất cả các địa phương để đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Năm học này, toàn tỉnh có 745 trường học (Mầm non 227 trường, Tiểu học 236 trường, THCS 235 trường, THPT 47 trường). Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị trường nhằm tinh giản biên chế, toàn tỉnh giảm được 55 trường từ Mầm non đến THPT. Việc sáp nhập trường dựa trên nguyên tắc đảm bảo tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, không ảnh hưởng đến cơ sở vật chất trường lớp. Các huyện như: Chư Pah, Chư Sê, Kbang... còn đầu tư xây dựng thêm các dãy phòng học, nhà đa năng, khu hiệu bộ cho các đơn vị được sáp nhập. Bên cạnh việc đầu tư xây mới, nhiều đơn vị chủ động sửa sang lại phòng học, nhà vệ sinh, tường rào, cổng ngõ nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp cho năm học mới.
Sở GD-ĐT cũng đang thúc đẩy nhanh và thực chất phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo về cơ sở vật chất cho quá trình đổi mới toàn diện giáo dục. Một khi cơ sở vật chất được đáp ứng đầy đủ thì chất lượng dạy và học sẽ được nâng lên, giúp học sinh có đủ điều kiện để phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ”-thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku (đơn vị vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) cho biết.
Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, hầu hết các địa phương đều lo ngại về tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện tinh giản biên chế. Được biết, tỉnh ta hiện thiếu hơn 2.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc học Mầm non. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ: Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Tinh thần của Nghị quyết là tinh giản biên chế gián tiếp, riêng giáo viên thì phải đảm bảo đủ số lượng đứng lớp. Do đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh tạo cơ chế phù hợp đối với ngành GD-ĐT, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm bảo về số lượng giáo viên đứng lớp”.
Ông Nguyễn Tư Sơn nhận định: “Theo tôi, những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là rất cần thiết trong bối cảnh giáo dục đang trong quá trình đổi mới. Nhiều chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã mở ra hướng giải quyết các vấn đề: tinh giản biên chế, sáp nhập trường cho nhiều địa phương, trong đó có Gia Lai”.
Nguyễn Giang