Kinh tế

Tài chính

Quý I-2022, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đạt hơn 5.454 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 12-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành-Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2022.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng nguồn vốn đến cuối tháng 3-2022 đạt 5.471 tỷ đồng (tăng 188 tỷ đồng so đầu năm); doanh số cho vay quý I đạt 660,7 tỷ đồng, với 17.551 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ quý I đạt 482 tỷ đồng; tổng dư nợ đến cuối tháng 3-2022 là 5.454,3 tỷ đồng (tăng 178,5 tỷ đồng so đầu năm (tỷ lệ tăng 3,38%) với 142.993 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 1 khách hàng là 38,1 triệu đồng.

Các chương trình tín dụng có dư nợ lớn là cho vay hộ cận nghèo 1.090 tỷ đồng (chiếm 20% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo 1.035,6 tỷ đồng (chiếm 19%); cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 1.006,4 tỷ đồng (chiếm 18,5%); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 799,4 tỷ đồng (chiếm 14,6%); cho vay hộ nghèo 696,4 tỷ đồng (chiếm 12,8%); cho vay giải quyết việc làm 520,6 tỷ đồng (chiếm 9,5%)… Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện ủy thác cho hộ nghèo vay và các đối tượng chính sách khác được triển khai kịp thời.

 Quang cảnh phiên họp quý I-2022. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Vũ Thảo


Nguồn vốn giải ngân trong quý I-2022 được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Cụ thể, vốn vay đã giúp cho 3.257 lượt hộ nghèo, 3.331 lượt hộ cận nghèo và 1.111 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho 2.857 lao động; giúp 230 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được hơn 8.730 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong quý II-2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành yêu cầu các ngành cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp căn cơ để giải quyết cho vay đúng đối tượng, mục đích, phát huy tốt nhất hiệu quả vốn vay; cần sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức, tăng khả năng tiếp cận vốn của hộ nghèo, tạo sức bật phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, các ngành cần phối hợp, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình tín dụng ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; cho vay mua nhà ở...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động giải ngân các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao trong năm 2022, tiếp tục rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để mở rộng cho vay. Trên cơ sở các chương trình của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục bám sát thực tế, lồng ghép với các chương trình của từng hội, đoàn thể để cho vay, giúp các hội viên tiếp cận vốn làm ăn, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú.
 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm