Kinh tế

Tài chính

Quỹ Tín dụng nhân dân Đak Đoa an toàn, hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù quy mô hoạt động nhỏ nhưng kể từ năm 2014 đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Đak Đoa (Gia Lai) không có nợ quá hạn, hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của 1.180 thành viên.   
Với bề dày hoạt động 22 năm, Quỹ TDND Đak Đoa là điểm tựa đáng tin cậy cho các thành viên. Quỹ luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống. “Nhờ có Quỹ TDND hỗ trợ, bà con có vốn để làm ăn, mở rộng sản xuất”-ông Mhưm (làng Hlâm, thị trấn Đak Đoa) bộc bạch.
 Khách hàng đang giao dịch tại Quỹ TDND Đak Đoa. Ảnh: S.C
Khách hàng đang giao dịch tại Quỹ TDND Đak Đoa. Ảnh: Sơn Ca
Năm 2014, làng Hlâm (vốn thuộc xã Glar) được sáp nhập vào thị trấn Đak Đoa. Dân làng rất phấn khởi khi được kết nạp làm thành viên của Quỹ TDND Đak Đoa để có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ông Mhưm là một trong những thành viên đầu tiên của làng được hỗ trợ vay vốn 150 triệu đồng, cộng thêm số tiền tiết kiệm của gia đình đã mua thêm 5 sào đất để mở rộng sản xuất. Cũng từ đó, một số người dân trong làng học hỏi theo, mạnh dạn vay vốn với số tiền lớn để đầu tư mua đất sản xuất hoặc chăm sóc cà phê. Cũng theo ông Mhưm, hiện tại, dư nợ tại làng Hlâm vào khoảng 4 tỷ đồng, không phát sinh món nợ xấu nào. Các thành viên rất tin tưởng vào Quỹ TDND Đak Đoa, hễ có nhu cầu vốn từ vài chục triệu đồng trở lên đều tìm đến Quỹ vì thủ tục hồ sơ nhanh gọn, uy tín.
Với đặc thù hỗ trợ vốn vay theo mùa vụ, có thể trả nợ bất cứ lúc nào trong kỳ hạn vay, tùy theo nhu cầu mà thành viên có thể vay tín chấp hoặc thế chấp, do đó, rất nhiều thành viên gắn bó với Quỹ từ khi thành lập (năm 1996) đến nay. Đơn cử như ông Nguyễn Ngọc Tiến (tổ dân phố 4, thị trấn Đak Đoa) đã tham gia Quỹ khi đơn vị chỉ có 269 thành viên. Tham gia Quỹ, thành viên được chia lợi tức cổ phần, được hỗ trợ vay vốn khi có nhu cầu. “Đây là mô hình hợp tác rất phù hợp với nông dân, hỗ trợ bà con khi cần vốn sản xuất. Như bản thân tôi, khi cần đầu tư cho 700 cây cà phê và 300 trụ hồ tiêu mà chưa kịp xoay xở thì tìm đến Quỹ hỗ trợ chứ không vay ngoài”-ông Tiến chia sẻ.  
Mặc dù quy mô hoạt động nhỏ (chỉ trên địa bàn thị trấn Đak Đoa) nhưng cho đến thời điểm này, tổng nguồn vốn của Quỹ TDND Đak Đoa đạt 45 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 43 tỷ đồng, huy động tiết kiệm đạt hơn 19 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, Quỹ giải quyết cho 700-800 lượt thành viên vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tỷ trọng cho vay ngắn hạn gần 33 tỷ đồng, cho vay trung hạn trên 8 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, Quỹ không có nợ quá hạn.
Trong bối cảnh hoạt động tài chính-ngân hàng sôi động và áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay, Quỹ TDND Đak Đoa cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi khả năng huy động vốn vãng lai có hạn so với các tổ chức tín dụng khác. Đa số vốn của Quỹ là vay Ngân hàng Hợp tác xã nên tính cạnh tranh về lãi suất không cao. Bên cạnh đó, do đặc thù thị trường nông thôn nên thành viên thường đi vay và rút tiền gửi thời điểm cuối năm để đầu tư sản xuất kinh doanh. Để vượt qua trở ngại này, Quỹ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị, tăng cường huy động vốn, thu nợ, thu lãi kịp thời nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. “Bình quân mức cho vay của Quỹ là 68 triệu đồng/món vay. Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của thành viên, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã triển khai cho vay hợp vốn, nâng mức cho vay lên 500-600 triệu đồng/món vay. Điều này vừa nâng cao vị thế của Quỹ, vừa tạo được sự gắn kết với thành viên có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả”-ông Hà Quốc Trung-Giám đốc Quỹ TDND Đak Đoa-cho biết.
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm