Ngày 15-5, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua chính sách hải dương mới với tên gọi "Kế hoạch cơ bản hải dương", làm cơ sở hoạch định các chính sách hải dương của Nhật Bản trong giai đoạn 2018-2023.
Tàu tuần tra bảo vệ bờ biển Nhật Bản lai dắt một chiếc thuyền cá. |
Đề cập việc một số vụ tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Nhật Bản, "Kế hoạch cơ bản hải dương" nêu rõ tình hình xung quanh các vùng biển của Nhật Bản ngày càng khó khăn hơn và quyền lợi hải dương của Nhật Bản đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Do đó, chính sách trọng tâm của Tokyo trong 5 năm tới sẽ là chuyển từ việc khai thác tài nguyên như trước đây sang việc bảo đảm an ninh cho các vùng biển của Nhật Bản.
Để nắm bắt được các diễn biến trên biển một cách nhanh chóng, Nhật Bản sẽ thiết lập một hệ thống giám sát thông tin tổng hợp trên biển (MDA), theo đó sẽ tổng hợp các nguồn thông tin về tình hình biển từ các cơ quan có liên quan, đồng thời tăng cường phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như phối hợp với các nước đồng minh và đối tác hữu hảo để bảo vệ quyền lợi trên biển của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng tính tới việc tăng cường giám sát các vùng biển bằng hệ thống radar và vệ tinh của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Kế hoạch hải dương mới của Nhật Bản cũng lần đầu tiên đề cập việc tăng cường nghiên cứu và khai thác tại vùng biển Bắc Cực nhưng cam kết sẽ tuân thủ nghiêm các quy định theo luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban chính sách hải dương, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định trong bối cảnh vấn đề hải dương ngày càng trở nên phức tạp, các cơ quan chính phủ cần nỗ lực để bảo vệ lãnh hải và quyền lợi biển của Nhật Bản, đồng thời duy trì, phát triển các vùng biển một cách rộng mở và ổn định.
Kế hoạch hải dương là bản kế hoạch thể hiện các nội dung trọng điểm trong quản lý, khai thác và bảo vệ biển của Nhật Bản trong vòng 5 năm.
Kể từ năm 2007, thời điểm Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật hải dương cơ bản, Chính phủ Nhật Bản đã 2 lần công bố Kế hoạch hải dương giai đoạn 2008-2013 và 2013-2018.
Theo TTXVN