(GLO)- Nhiều người dân ở TP. Pleiku tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình thắc mắc vì không được đăng ký nơi khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Thay vào đó, họ được hướng dẫn đăng ký tại Bệnh viện 331 hoặc Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Vậy sự thật vấn đề này là như thế nào?
Hơn chục năm nay, ông Nguyễn Văn Hùng (tổ 8, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) tham gia BHYT và đăng ký nơi khám-chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua, khi gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, ông Hùng lại không được đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
“Mấy năm trước, tôi vẫn đăng ký khám-chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng không hiểu sao năm nay lại không được. Họ hướng dẫn trường hợp tôi đăng ký tại Bệnh viện 331 hoặc Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Đại lý có giải thích nhưng tôi cũng không hiểu lắm”-ông Hùng cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thái Hậu (thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) thắc mắc: “Cả nhà tôi đều tham gia BHYT hộ gia đình và đăng ký khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nếu chuyển sang Bệnh viện 331 hay Trung tâm Y tế TP. Pleiku thì đi lại xa. Tôi thấy không thỏa mãn. Vì sao gia đình tôi lại không được đăng ký khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh?”.
Xung quanh vấn đề này, ông Phan Công Tịnh-Trưởng phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm Xã hội tỉnh) thông tin: Ngày 4-1-2021, BHXH Việt Nam có Công văn số 08/BHXH-CSYT thực hiện rà soát việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động và thống nhất với Sở Y tế xác định đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng thẻ BHYT ban đầu tại các cơ sở khám-chữa bệnh trên địa bàn theo đúng Thông tư số 40/2015/TT-BYT.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Ý |
Thông tư số 40/2015/TT-BYT ban hành ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh-chữa bệnh BHYT. Theo thông tư này, những đối tượng được chọn nơi đăng ký khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo Điều 9, Thông tư số 40 là người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám-chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc cơ sở y tế đó không đáp ứng được việc khám-chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT.
Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được đăng ký khám-chữa bệnh vào bệnh viện tuyến tỉnh là đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh; người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên và trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với người tham gia BHYT hộ gia đình thì không thuộc đối tượng đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh.
Theo ông Phan Công Tịnh, Thông tư số 40 có hiệu lực từ năm 2015. Tuy nhiên, do chưa áp dụng triệt để nên những năm qua, một số trường hợp không thuộc đối tượng ưu tiên vẫn được đăng ký khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến tỉnh. Nay BHXH Việt Nam siết chặt rà soát việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo đúng Thông tư số 40. Vì vậy, các tỉnh thành cũng thực hiện theo nên một số đối tượng không thuộc đối tượng ưu tiên theo Thông tư số 40 thì buộc phải điều chuyển đến các cơ sở khám-chữa bệnh khác dẫn đến thắc mắc nêu trên.
Tuy vậy, để tạo điều kiện cho người dân khám-chữa bệnh BHYT, ngày 18-3-2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Sở Y tế đã tổ chức họp và thống nhất việc quy định đối tượng, số lượng thẻ BHYT đăng ký khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị thống nhất mở rộng một số đối tượng khác được đăng ký khám-chữa bệnh BHYT tại tuyến tỉnh.
Từ ngày 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Ảnh: Như Ý |
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Ngoài các đối tượng ưu tiên theo Thông tư số 40 thì một số đối tượng khác được đăng ký khám-chữa bệnh BHYT tại tuyến tỉnh gồm: cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn TP. Pleiku; người tham gia BHYT thuộc các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Pleiku; người tham gia BHYT đã được cơ sở y tế chẩn đoán một trong các bệnh ung thư, bệnh tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tự miễn, các bệnh về máu, các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Ngoài ra, người tham gia BHYT đang điều trị bằng phương pháp lọc máu, người công tác trong Quân đội, Công an khi nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh, người tham gia BHYT thuộc đối tượng hưu trí khác trên địa bàn TP. Pleiku được đăng ký khám-chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để tránh tình trạng người dân thắc mắc về vấn đề này thì cùng với truyền thông, các đại lý cần hiểu rõ các quy định để giải đáp cụ thể cho người dân. Dù đăng ký khám-chữa bệnh BHYT ban đầu tại đâu thì quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn được đảm bảo, nhất là khi quy định thông tuyến tỉnh trong khám-chữa bệnh BHYT có hiệu lực. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc.
“Dù thẻ BHYT đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không có giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này không áp dụng cho khám-chữa bệnh ngoại trú”-ông Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh.
NHƯ Ý