Xã hội

Quyết liệt ngăn chặn sử dụng pháo nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần 30 năm kể từ khi Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sử dụng pháo, đến nay việc chấp hành nghiêm quy định này đã đi vào tiềm thức của từng người dân. Song, những năm gần đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về đây đó lại xuất hiện tình trạng vi phạm mua bán, tự chế và sử dụng pháo nổ lại nổi lên.

Theo Chỉ thị 406-TTg, kể từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính. Việc quy định nghiêm ngặt này dần từng bước đi vào đời sống và mọi người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh vì sự an toàn cho bản thân và cuộc sống bình yên của cộng đồng. Việc quy định này dần đi vào nề nếp đời sống cũng như được toàn xã hội đồng tình hưởng ứng.

1 vụ đốt pháo nổ lúc 22 giờ 30 ngày 9-2 (tức đêm 30 Tết) ở Pleiku. Ảnh: Huỳnh Lê

1 vụ đốt pháo nổ lúc 22 giờ 30 ngày 9-2 (tức đêm 30 Tết) ở Pleiku. Ảnh: Huỳnh Lê

Song, những năm gần đây cứ dịp Tết đến xuân về (nhất là từ khi cho phép sử dụng pháo hoa) lại rộ lên việc sử dụng pháo nổ. Báo chí và các cơ quan truyền thông lại đưa tin chỗ này cơ quan chức năng triệt phá vụ mua bán pháo lậu nhập qua biên giới, chỗ kia có người lên mạng mua hóa chất về tự ý sản xuất pháo nổ. Có nhiều vụ các em học sinh đang học THCS vì thiếu sự kiểm soát của bố mẹ đã lên mạng học cách chế tạo pháo nổ rồi đốt dẫn đến những hậu quả thương tích đáng tiếc.

Việc để người dân vẫn mua được pháo nổ đốt trong những ngày Tết, nhất là thời khắc giao thừa thì ngoài ý thức cá nhân của những người cố tình vi phạm, trách nhiệm này còn có thuộc về lực lượng quản lý thị trường và một số cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt hoặc một nguyên nhân nào đó còn để “kẻ hở” cho pháo nổ lọt lưới. Đối với khu vực biên giới vì sao pháo nổ vẫn thẩm lậu vào nội địa và người dân dễ dàng tiếp cận, mua để đốt trong những ngày Tết cũng là vấn đề đáng quan tâm.

1 thiếu niên phải nhập viện cấp cứu vì pháo tự chế phát nổ lúc 22 giờ ngày 8-2 tại Quảng Nam

1 thiếu niên phải nhập viện cấp cứu vì pháo tự chế phát nổ lúc 22 giờ ngày 8-2 tại Quảng Nam

Ông Huỳnh H. (ở phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho chúng tôi biết, không khó để mua những hộp pháo nổ này. “Cơ bản là anh có tiền và có dám đốt hay không”-ông H. khẳng định với chúng tôi. Ông H. còn cho biết thêm: Ngày Tết nhu cầu nhiều. Biết đốt pháo nổ là vi phạm nhưng có cầu ắt có cung. Vì lợi nhuận nên có một số người mua bán bất chấp vi phạm. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước đối với hành vi mua bán pháo nổ, việc xử lý nghiêm của cấp chính chính quyền khi để xảy ra đốt pháo thì mới đảm bảo triệt để.

1 người đàn ông ở Bình Phước bị dập nát bàn tay do pháo nổ

Đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em học đòi làm pháo nổ trên mạng rồi tự mua hóa chất về pha chế làm pháo để đốt, để bán cho bạn bè và bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý, nhắc nhở viết cam kết. Cũng có trường hợp phải đưa đi cấp cứu vì tai nạn xảy ra khi pháo phát nổ. Các cháu vì tò mò, vì muốn thể hiện mình mà thiếu sự kiểm soát của bố mẹ nên xảy ra sự việc đáng tiếc. Do đó, ngoài việc quản lý các trang mạng xã hội chặt chẽ còn đòi hỏi việc quản lý mua bán các hóa chất trên thị trường phải thật sự nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Cường (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ với chúng tôi: “Hậu quả đáng tiếc xảy ra do pháo nổ ngoài việc quản lý của gia đình chưa chặt chẽ, thiếu sự hướng dẫn, giáo dục của nhà trường thì đòi hỏi cơ quan chuyên môn phải có chế tài xử lý các cửa hàng bán hóa chất cho tuổi vị thành niên”.

Anh Lê Văn Hùng (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, năm nào anh cũng về Gia Lai đón Tết cùng với gia đình. Thực tế để ý anh thấy rằng, việc sử dụng pháo nổ phần lớn vẫn là các địa phương vùng sâu, vùng xa, các tỉnh lẻ. Theo anh, ở các thành phố lớn việc đón giao thừa chính quyền có tổ chức bắn pháo hoa, còn người dân sử dụng pháo nổ rất ít. “Để hạn chế tình trạng mua bán sử dụng pháo nổ trái phép, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần phối hợp thường xuyên để ra quân ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ. Tổ dân phố cùng công an khu vực tuần tra, kiểm soát địa bàn để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm tạo sự răn đe”-anh Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền thường xuyên về sự nguy hiểm của việc tự ý sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ cũng rất cần thiết. Trong đó, có việc thông tin đến lứa tuổi học sinh về việc tự chế pháo nổ không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể bạn quan tâm