Kinh tế

Tài chính

Quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng thu ngân sách đạt 9-10%/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ngành Tài chính đã triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng nguồn thu ngân sách đạt bình quân 9-10%/năm. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính.

* P.V: Nhiệm kỳ 2020-2025 đã đi được gần một nửa chặng đường, kết quả thực hiện thu ngân sách nói lên điều gì, thưa ông?
 

Ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Sơn Ca
Ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Sơn Ca

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.628 tỷ đồng. Đến năm 2021-năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tổng thu ngân sách là 7.881 tỷ đồng, tăng 72,7% so với năm trước. Kết quả ấn tượng này là nhờ cú hích từ hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm 2022, dự toán thu ngân sách nhà nước giao là 5.827 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.181 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm rất đáng ghi nhận là cơ cấu nguồn thu nội địa tăng nhanh và ổn định, đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ khu vực công thương nghiệp, doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự tăng trưởng đã phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi.

Có thể thấy rằng, kết quả thu ngân sách nhà nước trong gần nửa chặng đường vừa qua thực sự khởi sắc nhờ những quyết sách trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt và toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

* P.V: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước bình quân 9-10%/năm, ngành Tài chính đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?   

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Thu ngân sách nhà nước là chỉ số đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế, là bức tranh phản chiếu sự tăng trưởng của kinh tế trước mắt và lâu dài. Do đó, chúng tôi xác định cần tạo lập nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững từ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp thông qua thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Đây cũng là những yếu tố căn bản để góp phần tăng trưởng nguồn thu ngân sách bình quân 9-10%/năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Theo đó, ngành Tài chính chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Hiện nay, nhiều dự án đăng ký đầu tư hoặc đang ở giai đoạn triển khai thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch...  

Bên cạnh đó, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các cấp tham mưu UBND tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tình trạng ứ đọng vốn, sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư công. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh tập trung rà soát các nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu phát sinh mới để đảm bảo thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng vi phạm pháp luật thuế.

 Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


* P.V: Vậy, ngành Tài chính làm gì để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau đại dịch, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Trong 2 năm (2020-2021), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhóm chính sách thuế, phí, lệ phí đã được triển khai như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Ngành Tài chính sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan để triển khai các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất, vừa đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang thông thoáng đến hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, giúp đỡ, tư vấn để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ, của địa phương và sớm hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế cũng là thực hiện chính sách “khoan thư sức dân” hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi tin tưởng rằng nền kinh tế nói chung, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ có thêm động lực lẫn nguồn lực hỗ trợ tích cực để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đây sẽ là dư địa cần thiết để ngành Tài chính tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước cho những năm kế tiếp, góp phần xây dựng nền tài chính độc lập, tự chủ.  

* P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

SƠN CA (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm