Xã hội

Quyết liệt triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong quý III-2021.

Tai nạn giao thông tăng ở 2 tiêu chí

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hạnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm (từ ngày 15-12-2020 đến 14-6-2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 171 vụ TNGT, làm chết 127 người, bị thương 135 người. So với cùng kỳ năm 2020, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tăng 2 tiêu chí về số vụ và số người chết; cụ thể, tăng 2 vụ, tăng 4 người chết và giảm 18 người bị thương. Trong đó, có 84 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số (chiếm 49,12% tổng số vụ), làm chết 63 người (chiếm 49,61%), bị thương 53 người (chiếm 39,26%). Một số địa phương có số người chết do TNGT tăng cao từ 40% trở lên gồm: Đak Pơ tăng 40%, TP. Pleiku 45,45%, Đak Đoa 71,43%, Kbang 100%, Chư Pưh 125%, Mang Yang 400%.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quang


Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT là do vi phạm tốc độ, lấn đường, không chú ý quan sát, tập trung ở lứa tuổi thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Phương tiện gây TNGT chủ yếu là xe mô tô, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán tăng cao đột biến (tăng 3 vụ và 7 người chết); nhiều vụ tai nạn liên quan đến trẻ em, học sinh đi học bằng xe gắn máy. Ngoài ra, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT diễn ra phổ biến; số vụ vi phạm về nồng độ cồn còn ở mức cao (chiếm 3,39% tổng số vi phạm, số xử lý tăng 45,5%); hiện tượng người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe (xử lý 2.485 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (xử lý 4.405 trường hợp) còn xảy ra nhiều; kết quả xử lý xe mô tô không đảm bảo an toàn kỹ thuật còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, TNGT trên địa bàn tỉnh tăng do các ngành, các cấp và lực lượng chức năng ở một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT; chưa kết hợp tốt giữa nhiệm vụ phòng-chống dịch với nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã còn thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại cơ sở dẫn đến việc thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT chưa đồng bộ giữa các ngành, các lực lượng. Công tác quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình đối với số đối tượng thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số hiệu quả thấp; một bộ phận phụ huynh vẫn giao xe mô tô cho con em chưa đủ tuổi điều khiển, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn huyện Đak Pơ) ngày 20-3-2021. Ảnh: Nguyễn Quang


“Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người dân chưa cao, có tâm lý chủ quan, kỹ năng điều khiển phương tiện hạn chế, thiếu chú ý quan sát khi tham gia giao thông; thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số sử dụng rượu bia, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu... vẫn tiếp diễn, gây ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với xe mô tô, xe gắn máy, đối tượng thanh-thiếu niên trên một số tuyến quốc lộ, đường giao thông nông thôn tại một số địa phương chưa khép kín địa bàn, hiệu quả chưa cao. Hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có phương án phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với hành vi trốn tránh, đối phó của lái xe, chủ xe cố tình vi phạm chở quá tải, cơi nới thành thùng hàng…”-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT thông tin.

Kéo giảm ít nhất 5% ở cả 3 tiêu chí

Phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Chư Pưh, Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thái cho biết: Để kéo giảm TNGT, thời gian tới, huyện tập trung lồng ghép chiếu các phóng sự về hậu quả TNGT tại các buổi tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về những hệ lụy mà TNGT đã gây ra; tổ chức ký cam kết đối với các gia đình có con em thường càn quấy, gây mất trật tự ATGT. Hiện nay, huyện đã thống kê, phân loại được 106 đối tượng thường xuyên sử dụng xe máy quấy rối, đua xe, lạng lách, đánh võng… để răn đe, giáo dục. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình camera an ninh, ATGT nhằm quản lý tốt công tác an ninh cũng như ATGT trên địa bàn.

Từ ngày 9-7 đến nay, trung bình mỗi ngày, chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh) kiểm tra hơn 1.500 lượt người và phương tiện qua lại. Ảnh: Như Nguyện


Tương tự, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế thông tin: Trước tình hình số người chết do TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, Ban ATGT thành phố đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng nhằm phân tích, đánh giá nguyên nhân các vụ TNGT, từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quyết tâm kéo giảm TNGT 6 tháng cuối năm 2021. Theo đó, Ban ATGT thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, phường đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền pháp luật về đảm bảo ATGT, nhất là thanh-thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khắc phục những bất cập về phân luồng giao thông tại các ngã ba, ngã tư; rà soát các “điểm đen” về TNGT để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý; tăng cường tuần tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự ATGT… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từng bước kéo giảm TNGT, phấn đấu trong năm 2021 giảm 5-10% ở cả 3 tiêu chí so với năm 2020.

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho hay: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các địa phương gọi hỏi, răn đe các đối tượng thanh-thiếu niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng xe máy và yêu cầu ký cam kết. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, nhất là các lỗi như nồng độ cồn, tốc độ, lấn đường, lấn làn; trong đó, tập trung xử lý vào thời điểm từ 18 giờ đến 24 giờ hàng ngày. Đồng thời, phối hợp với Công an địa phương bố trí, phân công lực lượng để tuần tra, kiểm soát khép kín trên các tuyến quốc lộ cũng như tăng cường công tác xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn; tiếp tục triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, rà soát đối tượng thanh-thiếu niên, răn đe các đối tượng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, hoàn thành mục tiêu giảm ít nhất 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí so với năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ngay sau hội nghị này, Sở GT-VT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cùng các doanh nghiệp viễn thông tiến hành lắp đặt camera trên các tuyến quốc lộ, các đô thị, khu dân cư để giám sát tốt hơn, trong đó, cần tăng cường công tác phạt nguội nhằm răn đe, nâng cao nhận thức người dân. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cũng như huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, nhất là thanh-thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để đảm bảo trật tự ATGT, xử lý răn đe và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, tập trung phân luồng giao thông, nhất là trên địa bàn TP. Pleiku. Từ nay đến ngày 20-7, Sở GT-VT phải phối hợp xử lý dứt điểm, không để xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn thành phố.

 

 NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm