Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Chính phủ xác định chủ đề hành động của năm nay là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5%, thu nhập bình quân 3.900 USD/người/năm.

Có thể nói, năm 2021 là năm đầy khó khăn đối với nước ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bàn tay chèo lái vững vàng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta không những không hề bị tê liệt, chia rẽ mà lại càng nung nấu ý chí vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên; tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. Ảnh nguồn: baochinhphu.vn
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. Ảnh nguồn: baochinhphu.vn


Tuy không cao nhưng mức tăng trưởng GDP đạt 2,58% trong năm 2021 cũng là một con số đáng mừng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Thu ngân sách về đích trước 1 tháng và tăng hơn 1,5%; xuất khẩu vượt mốc 300 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt hơn 31 tỷ USD; nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 2,8% trong năm 2021.

Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, chiến lược vắc xin phòng Covid-19 với các giải pháp thành lập Quỹ vắc xin; tiến hành ngoại giao vắc xin; nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí quy mô chưa từng có và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%. Đến nay, hơn 93,4% dân số được tiêm chủng phòng Covid-19 mũi 1, gần 74% hoàn thành tiêm mũi 2 và gần 12% được tiêm mũi 3. Việc chuyển đổi trạng thái phòng-chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đang mang lại những kết quả tích cực. Kinh tế phục hồi nhanh, các mục tiêu an sinh xã hội được thực hiện.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là sự vào cuộc phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” và “dọc ngang thông suốt”. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để đất nước ta tự tin bước vào năm 2022, một năm mà theo dự báo là còn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022 diễn ra tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ là trong năm nay, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức lớn như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, giải ngân đầu tư công chưa đạt, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn nhờ vào nỗ lực triển khai các biện pháp phòng-chống dịch hiệu quả và sự chuẩn bị các kế hoạch thích ứng với dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế. Điều cần nhất hiện nay là khi đưa ra những chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì phải tính đến hiệu quả, làm sao mà những chính sách này phải vào được đúng nơi, đúng chỗ, đúng lĩnh vực, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đạt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng đề ra.

Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. Ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng, GDP tăng ở mức 6,8% trong năm nay. Từ những dự báo này, có thể thấy rõ triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm nay, khi Chính phủ triển khai hiệu quả các “gói” hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế lên đến 350 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, “nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với Nhân dân”-Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy khi thảo luận, thông qua gói hỗ trợ này.

Thách thức vẫn còn ở phía trước. Dịch bệnh tuy đã phần nào được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến khó lường. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cần hơn nữa ý chí và nội lực mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân để đồng hành cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, quyết giành thắng lợi với mức tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% như mục tiêu đã đề ra.

 

ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm