Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ra mắt 5 tập sách của nhà văn Võ Quảng: Người dành trọn tâm huyết cho thiếu nhi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một loạt sách gồm 5 quyển vừa ra mắt bạn đọc cả nước nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020).

Loạt tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng - Ảnh: K. Đ.
Loạt tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng - Ảnh: K. Đ.

“Thơ đưa lại lợi ích gì cho tuổi thơ? Khi soát lại kí ức tuổi thơ ta thường nhận thấy có nhiều lời thơ, câu thơ đã đến với chúng ta ngay từ khi còn thơ ấu. Nó đến với chúng ta theo lời ru của mẹ, qua ca dao, qua câu ví, điệu hò. Nó nhập vào ta từ lúc còn nằm trong nôi. Lắm lúc những câu đó nói gì, nghĩa là làm sao, ta cũng chưa hiểu, nhưng nhờ có vần điệu trơn tru, âm thanh réo rắt, chúng ta liền ghi nhớ, nhớ mãi cho đến khi khôn lớn. Mặc nhiên chúng ta đã thu nhập được một vốn từ to lớn, một vốn nhạc của tiếng mẹ đẻ. Như vậy, nó phải là chất dinh dưỡng rất tốt nuôi tâm hồn các em lớn lên”.

Nhà văn Võ Quảng


Võ Quảng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, bắt đầu từ những vần thơ dễ thương của ông được đưa vào sách giáo khoa tiểu học: Mặt trời gác núi/ Bóng tối lan dần/ Anh đóm chuyên cần/ Lên đèn đi gác... (Anh đom đóm), và những bài thơ quen thuộc khác như "Cốc cốc cốc/ Ai gọi đó/ Tôi là thỏ/ Nếu là thỏ/ Cho xem tai... (Mời vào).

Ông hiện diện trong tâm hồn trẻ em Việt Nam bằng những lời thơ trong sáng, vui nhộn và đáng yêu. Võ Quảng còn có tiểu thuyết Quê Nội viết như một tự truyện về vùng quê hương đất Quảng bên dòng sông Thu Bồn.

Dịp này, các tác phẩm của Võ Quảng được đội ngũ nhà xuất bản Kim Đồng làm mới để tái bản: Tiểu thuyết Quê nội (gồm 2 truyện Quê nội, Tảng sáng); Tập thơ Ai dậy giùm, tuyển giới thiệu những bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi với minh họa mới của họa sĩ Chu Linh Hoàng; Tuyển tập Truyện đồng thoại Võ Quảng do họa sĩ Vũ Xuân Hoàn minh họa; tập Võ Quảng - Một đời thơ văn.

Tập Võ Quảng - Một đời thơ văn do Châu Tấn – trưởng nam của nhà văn Võ Quảng biên soạn.

Trong ấn phẩm này, độc giả sẽ gặp lại những bài thơ nổi tiếng của Võ Quảng; thưởng thức truyện ngắn đầu tay Cái lỗ cửa, truyện vừa Cái thăng, tiểu thuyết Kinh tuyến và vĩ tuyến, những truyện cổ tích kể lại Chuyện kể ở Đầm Vạc (truyền thuyết thời Hùng Vương); cùng những bài viết về văn học thiếu nhi của nhà văn Võ Quảng.

Phần cuối là những bài phê bình, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về tác phẩm Võ Quảng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, Võ Quảng thi đỗ vào trường Quốc học Huế năm 17 tuổi, và cũng từ năm này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc.

Năm 1958, khi đã ở tuổi 38, Võ Quảng mới trình làng tác phẩm đầu tiên là tập thơ Gà Mái Hoa. Tác phẩm lập tức được công chúng đón nhận và bạn bè văn chương tán thưởng. Cũng Võ Quảng về làm Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng mới thành lập.


 

Nhà văn Võ Quảng (1920 - 2007)
Nhà văn Võ Quảng (1920 - 2007)


Ngoài sáng tác thơ, truyện, Võ Quảng còn viết kịch bản phim hoạt hình và dịch một số tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt.

Ông là tác giả kịch bản phim hoạt hình Sơn Tinh Thủy Tinh, Những chiếc áo ấm - hai tác phẩm được "khắc tên vào bảng Vàng của ngành Hoạt hình Việt Nam" theo đánh giá của họa sĩ Trương Qua (Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam từ 1967-1977).

Ông cũng là người đầu tiên phỏng dịch và giới thiệu Truyện Đông Ky-sốt (Hiệp sĩ Don Quixote) và Người anh hùng rừng Séc Vút (Robin Hood – Hiệp sĩ rừng xanh) sang tiếng Việt.

"Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi", nhà văn Võ Quảng từng tâm sự như vậy.

Là một trong số ít nhà văn Việt Nam dành trọn vẹn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, Võ Quảng ý thức rất rõ tầm quan trọng của văn chương trong việc giáo dục thẩm mỹ, nhân cách cho trẻ em.

Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi.

Theo LAM ĐIỀN (TTO)

Có thể bạn quan tâm