Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ra mắt công trình nghiên cứu về vua Minh Mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vua Minh Mạng (Omega Plus và NXB Hà Nội) là ấn phẩm tiếp theo của tác giả Marcel Gaultier sau Vua Gia Long (thuộc tủ sách Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ) xuất bản vào năm ngoái. Đây cũng là công trình thứ hai của tác giả này vừa được ra mắt tại Việt Nam qua bản dịch của Đỗ Hữu Thạnh.

Được ra mắt lần đầu năm 1935, Vua Minh Mạng (tên gốc tiếng Pháp: Minh-Mang) là cuốn sách tiếp theo về đề tài chân dung các vị vua triều Nguyễn của tác giả Marcel Gaultier (1900-1960), nhà văn và từng là biên tập viên của Ban Dân sự Đông Dương thời Pháp thuộc.

Trong tác phẩm này, Marcel Gaultier đã trình bày khái quát bối cảnh lịch sử, sự ra đời và trưởng thành của vua Minh Mạng, và quá trình kế nghiệp vua cha của ông. Cũng như ở Vua Gia Long (được ra mắt lần đầu năm 1933), tác giả Gaultier không chỉ thuật truyện mà còn cố gắng tái dựng bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, thông qua việc khéo léo lồng ghép vào tác phẩm các chi tiết mang tính thông tin cho độc giả về lịch sử Việt Nam và thế giới xuyên suốt các thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Nhờ vậy, người đọc ở hậu thế có thể phần nào hình dung bối cảnh làm nền cho chuỗi sự kiện tiếp nối nhau.

 

 Sách
Sách "Vua Minh Mạng" vừa được ra mắt độc giả Việt Nam qua bản dịch của Đỗ Hữu Thạnh


Đặc biệt, Marcel Gaultier tránh lối viết theo kiểu biên niên sử và chỉ thuần túy liệt kê sự việc cùng ghi chép quan điểm của sử quan như thường gặp trong các bộ sử trước đây. Thay vào đó, ông phân tích cách xử trí và ra quyết sách của vua Minh Mạng trước những sự kiện tiêu biểu xuyên suốt thời gian trị vì, để qua đó lột tả chân dung và tính cách, tư tưởng và quan điểm của vị vua này.

Trong đó, hai vấn đề được Gaultier chú tâm nhiều hơn cả là mối quan hệ của Đại Nam với phương Tây và Cơ Đốc giáo, và cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi cùng hàng loạt sự kiện binh biến rải rác trong lãnh thổ đất nước từ Bắc chí Nam.

Cuốn sách Vua Minh Mạng là một công trình nghiên cứu có giá trị tham khảo lớn trong nghiên cứu về vua Minh Mạng tại một lát cắt lịch sử trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu nước ngoài, chúng ta sẽ phần nào thấy được những cái nhìn khách quan về nhân vật và lịch sử.

Song cũng khó tránh khỏi những yếu tố chủ quan của tác giả và ảnh hưởng của lối viết sử thuộc địa. Dẫu sao, đây vẫn là cuốn sách tham khảo có ý nghĩa, mang đến cho độc giả những tư liệu và những gợi mở trong nghiên cứu về nhân vật và lịch sử để có những cái nhìn đa chiều hơn.

Marcel Gaultier để lại cho đời hơn mười tác phẩm, trong đó có ba tiểu thuyết, còn lại là hồi ký và những nghiên cứu sử học về các vị vua triều Nguyễn. Ngoài Vua Gia Long và Vua Minh Mạng, ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu: Le Roi proscrit: l’Empereur d’Annam Hàm-Nghi. (Tạm dịch: Nhà vua bị lưu đày: Hoàng đế Hàm Nghi, 1940), L’Étrange aventure de Ham-Nghi, empereur d’Annam (Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, Hoàng đế An Nam, 1959).

Theo VIÊN THI  (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm