Thay vì nói lời xin lỗi thì chủ xe lại có thái độ hằn học vì bị “làm phiền” khi đang ăn sáng. Việc đỗ xe chắn lối ra vào nhà tái diễn nhiều lần khiến anh tôi và một số hộ dân gần đó thấy bất tiện và không đồng tình.
Nhà ở ngay trung tâm thành phố nên bạn tôi không ít lần trở thành nạn nhân của việc đỗ xe vô ý thức. Cách đây một tuần, gia đình bạn có việc phải về quê vài ngày. Khi trở về thì thấy một chiếc xe ô tô đỗ ngay trước cổng nhà. Bạn hỏi những người xung quanh nhưng không biết chủ xe là ai, chủ xe cũng không để lại số điện thoại liên lạc nếu cần.
Tình trạng đỗ xe chắn lối ra vào nhà, che khuất mặt bằng kinh doanh hay chắn đường vào những con hẻm nhỏ… rõ ràng đã làm phiền đến nhiều gia đình. Để tránh căng thẳng, xích mích, họ góp ý trực tiếp hoặc viết giấy “nhắc khéo” không dừng, đỗ nữa. Tuy vậy, nhiều trường hợp bức xúc, thiếu kiềm chế đã dẫn đến những hành động như đập vỡ kính, làm thủng lốp, vẽ bậy lên xe với những lời lẽ thiếu văn hóa… Mâu thuẫn, căng thẳng thậm chí dẫn đến xô xát, đánh nhau, để lại hậu quả nghiêm trọng. Đối mặt với những trường hợp đỗ xe vô ý, nhiều người không giữ được sự bình tĩnh là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên, không ai ủng hộ cách xử sự “cả giận mất khôn” làm hư hỏng tài sản của người khác.
Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe…
Tuy vậy, trên thực tế, nhiều người cho rằng, việc đỗ xe trên vỉa hè, đường phố hoặc những nơi không cấm dừng, đỗ xe không có gì sai. Một số lý giải việc đỗ xe trước nhà dân chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, “để tạm” khi không thể tìm được chỗ đỗ xe xung quanh.
Việc dừng, đỗ xe ô tô chỉ là chuyện nhỏ, nhưng có thể trở thành chuyện lớn nếu bị đẩy đi quá xa. Với người sử dụng ô tô, trước hết cần có ý thức trong việc dừng, đỗ xe và có tinh thần cầu thị trong cách giải quyết vấn đề. Chủ xe cần ý tứ, chọn vị trí đỗ để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hay hoạt động kinh doanh của người khác. Không gian đô thị vốn chật hẹp, trong trường hợp bất đắc dĩ phải đỗ xe trước cửa nhà người khác, chủ xe nên quan sát kỹ vị trí, xin phép chủ nhà hoặc để lại số điện thoại.
Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, minh chứng là số lượng ô tô cá nhân ngày càng nhiều. Nâng cao ý thức từ việc dừng, đỗ xe nơi công cộng, ứng xử sao cho văn hóa sẽ giúp xã hội thêm văn minh.