Rắc rối không ngờ khi gia chủ làm giếng trời quá lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Do giếng trời chiếm hết khu vực cầu thang, nhiều bậc ở tầng trên cùng nhà anh Thiện (TPHCM) bị cong và nứt sau chưa đầy 2 năm sử dụng.

Năm 2017, gia đình anh Huỳnh Xuân Thiện, 38 tuổi chuyển từ chung cư xuống mặt đất. Anh xây nhà 3 tầng, trên miếng đất mặt tiền 4,8 m dài hơn 20 m ở quận 9. Hai nhà bên cạnh đang là nhà cấp 4, nhưng anh đề phòng sau này họ xây tầng cao, sẽ lấp các cửa sổ cạnh nhà mình, nên quyết định sẽ làm 2 giếng trời để lấy sáng từ cao xuống. Mắt kém, hai đứa con cũng cận thị như bố nên anh rất quý ánh sáng tự nhiên, muốn hướng con tới việc càng ít dùng đèn càng tốt.

Anh Thiện chừa 2 m làm sân sau (diện tích mái lợp kính gần 10 m2) và để khoảng giữa nhà rộng tầm 7 m2 nữa để làm thông tầng. Hệ lam bằng sắt dưới lớp kính cường lực được làm ở mức nhỏ nhất có thể, để ánh sáng chiếu vào nhà được nhiều nhất. Ở sân sau có một toilet nhỏ, còn dưới giếng trời giữa nhà là khu vực cầu thang. Tất cả các phòng đều trổ cửa sổ ra các khu vực giếng trời.

Xây xong nhà, anh rất hài lòng vì tất cả các phòng đều nhận được ánh sáng tự nhiên. Ban ngày hoàn toàn không cần bật đèn. Thậm chí, giữa trưa nắng, nếu mở hết cửa sổ, còn có cảm giác nhà hơi sáng so với nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, vì chỉ chú ý lấy sáng mà không quan tâm đến thông gió nên giếng trời chính là một nguyên nhân khiến nhà anh nắng nóng. Nhà hướng Đông, toàn bộ khu giếng trời sau nhà là hướng Tây, nắng chiếu qua kính khiến các phòng ở phía sau nhà rất nóng vào buổi chiều, kể cả phòng ở tầng trệt. Giếng trời giữa nhà khá rộng nên buổi chiều những phòng phía trước cũng nóng nốt. Buổi tối trong nhà không mát vì anh không làm thông gió ở giếng trời.

Chưa hết, sàn nhà trực tiếp hứng nắng từ giếng trời thì chịu thiệt hại đáng kể do nắng nóng. Gạch lát sàn thường xuyên bị bong tróc. Do cầu thang nằm trọn trong khu vực giếng trời giữa nhà nên lan can cầu thang của tầng trên cùng gỗ nứt nẻ cong vênh, mấy bậc cầu thang trên cùng bạc phếch. Đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình anh về quê 10 ngày, lúc trở về nhà, mấy chậu cây để ở dưới giếng trời héo quắt.

Từ khi chuyển về nhà mới ở, cô con gái út 3 tuổi của anh ngày càng đen. Hóa ra, ở nhà với bà, giữa trưa nắng bé vẫn chơi đùa ở khu giếng trời nên da bắt nắng. Đợt nắng nóng vừa qua, con tôi bị mẩn ngứa, đi khám bác sĩ da liễu đoán có thể do cháu chơi dưới nắng nhiều quá.

Anh đang tính làm một giàn sử quân tử dưới giếng để che bớt nắng nóng nhưng nghe nói cây này có sâu róm và lá rụng, nên chưa biết sửa giếng trời thế nào cho tối ưu. Hơn nữa không biết cây trong nhà thì sẽ sống được bao lâu.

 
Giếng trời một ngôi nhà tại TP HCM mới được KTS Phạm Thanh Truyền cải tạo làm giảm sáng lại. Ảnh: Cotin.
Giếng trời một ngôi nhà tại TP HCM mới được KTS Phạm Thanh Truyền cải tạo làm giảm sáng lại. Ảnh: Cotin.



Theo kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, giếng trời trong ngôi nhà rất quan trọng, đặc biệt với nhà ống. Đây là nơi kết nối gia chủ với thiên nhiên thông qua các giác quan: thị giác (ánh sáng), xúc giác (nóng lạnh), thính giác (âm thanh), khứu giác (hít thở), đôi khi cả vị giác (nước mưa...). Kiến trúc sư Hà cho rằng tùy vào từng bố cục của ngôi nhà (độ dài, rộng, cao) và hướng mặt trời (Đông - Tây) mà đề xuất vị trí và hình dạng giếng trời cho phù hợp, sao cho đạt hiệu quả tối ưu về điều tiết vi khí hậu.

Với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta, cần tối thiểu thời gian nắng nóng chiếu thẳng xuống nền nhà vào mùa hè (vì khi ấy mặt trời thường nóng nhất) bằng một số giải pháp như: các khe giếng vừa đủ; hoặc có thêm hệ che chắn di động bên dưới, kết hợp cây xanh xung quanh bên trên; hoặc thông gió ngang chủ động dưới lớp kính và phun nước làm mát bên trên...

Kiến trúc sư Hà bổ sung, ngoài giải pháp "mềm" để điều tiết khí hậu như trên, gia chủ cũng có thể dùng giải pháp cứng (làm một tấm lam cố định bên dưới), tuy nhiên, biện pháp mềm và di động sẽ linh hoạt hơn và thích ứng với thời tiết hơn.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nhận xét hiện nay, gia chủ đang đua theo trào lưu làm giếng trời, làm thông gió để đưa ánh sáng và gió vào nhà nhưng không hiểu được nguyên lý là đặt ở đâu, diện tích bao nhiêu là vừa. Nhà cao tầng cần để diện tích giếng trời lớn hơn nhà thấp tầng. Giếng trời nên làm sao để ánh sáng chiếu vào nhà hài hòa, rải đều trong những không gian mình cần, không nên để ánh sáng tập trung vào một chỗ.

Ông Truyền từng cải tạo khá nhiều ngôi nhà bố trí mái kính giếng trời bao nguyên khu vực cầu thang như nhà anh Thiện. Cách bố trí này khiến phía trên cầu thang rất nắng nóng, nội thất dễ hỏng hóc, trong khi phía dưới lại không có nắng vì vế cầu thang phía trên đã che khuất.

Ông cho rằng, với các ngôi nhà vùng nhiệt đới, tốt nhất chỉ nên làm lỗ giếng trời ở đúng ô trống giữa cầu thang, vừa không gây hại cho cầu thang, vừa đảm bảo ánh sáng vừa đủ. Quan trọng là thông thoáng, thoát khí nóng trong nhà qua được các ô thông tầng, nếu làm bịt kín, vô tình tạo nên hiệu ứng nhà kính, ngôi nhà trở nên nóng và ngột ngạt hơn.

"Một điều nguy hiểm là tầng ozon mỏng, lượng tia cực tím càng lúc càng tăng cao, có thể làm bỏng da, gây ung thư da... Vì thế nếu gia chủ để giếng trời với diện tích và vị trí không phù hợp, vô tình gặp tác hại từ thiên nhiên mà không biết", kiến trúc sư Truyền nhận xét.

Thái Bình (VNE)

Có thể bạn quan tâm