Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Rơ Mah Ngeng gắn bó với nghề đan lát truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm nay, ông Rơ Mah Ngeng (làng Dơ Nâu Ó, xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) gắn bó với nghề đan lát và tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông.
Trước ngôi nhà ông Rơ Mah Ngeng là những chiếc gùi với hoa văn rất tinh xảo cùng những thanh tre được vót dang dở. Vừa tỉ mẩn đan những nan tre, ông Ngeng cho biết: Năm 12 tuổi, ông đi theo bố vào rừng chặt lồ ô, tre nứa về đan những vật dụng trong gia đình như: gùi, nia, rổ, rá... Mỗi lần như vậy, ông học được rất nhiều kinh nghiệm từ việc đan lát của những người đi trước.
Ban đầu, ông chỉ tập đan những vật dụng nhỏ như giỏ bắt cá, rổ. Do chưa nắm được các thao tác cơ bản nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Với tính kiên nhẫn, ông tự mày mò học tập. Theo năm tháng, đôi tay ngày càng thành thục, khéo léo và tạo được sản phẩm đẹp mắt. “Ngày xưa, trước khi lập gia đình, người con trai Bahnar tối thiểu phải biết đan gùi, rổ… Đây là những vật dụng không thể thiếu và gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày”-ông Ngeng bày tỏ.
Ông Ngeng cho hay, người Bahnar có 2 loại gùi, loại nan khít gọi là reo, còn loại nan thưa gọi là ro. Để làm ra reo phải mất nhiều thời gian, vật liệu chủ yếu là lồ ô và mây. Những cọng nan kết hợp với 4 thanh gỗ ở dưới chân đáy khiến chiếc gùi cứng cáp, không bị lệch, méo khi mang vật dụng nặng. Ngoài ra, reo thường được gùi đi biểu diễn trong lễ hội, sự kiện quan trọng và để đựng những thứ quan trọng hoặc tặng người khác. Reo được trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn sắc sảo và kích thước khác nhau, giá bán vào khoảng 220-270 ngàn đồng/chiếc. Còn ro thì dùng để gùi nước, gùi củi hay những vật dụng nặng hơn, vật liệu chủ yếu là tre. Các công đoạn thực hiện đơn giản hơn, mỗi ngày có thể làm xong 2 chiếc nên giá rẻ hơn.
Ông Rơ Mah Ngeng là người đan lát nổi tiếng ở xã Kông Htok (huyện Chư Sê). Ảnh: R’Ô HOK
Ông Rơ Mah Ngeng là người đan lát nổi tiếng ở xã Kông Htok (huyện Chư Sê). Ảnh: R’Ô HOK
Vào những lúc nông nhàn, ông Ngeng tranh thủ đan gùi để kiếm thêm thu nhập. Có khi ông dành 1 tháng ở nhà đan lát cho đủ số lượng khi có nhiều người đặt mua. “Bình quân 1 tháng, mình làm hơn 10 chiếc gùi. Tính ra mỗi tháng mình làm được 3 triệu đồng. Năm vừa rồi có nhiều người đặt nên mình làm 50 chiếc gùi bán được hơn 20 triệu đồng”-ông Ngeng cho hay. Anh Siu Miêu nhận xét: “Ở trong làng cũng có nhiều người biết đan lát nhưng không ai có bàn tay khéo léo bằng ông Ngeng. Sản phẩm ông làm ra rất đẹp, bắt mắt và bền chắc”.
Không chỉ hành nghề mưu sinh, ông Ngeng còn thường xuyên truyền dạy đan lát cho các thanh niên trong làng. “Hiện tại, nhiều thanh niên trong làng không còn mặn mà, thích thú với việc đan lát. Do vậy, mình cố gắng duy trì để khơi dậy cho lớp trẻ tình yêu với văn hóa truyền thống”-ông Ngeng trăn trở. Cũng vì thế mà ông thường cùng với Bí thư Chi Đoàn làng Dơ Nâu Ó đến nhà vận động thanh-thiếu niên tham gia học nghề đan lát. Anh Siu Miêu chia sẻ: “Nhờ được ông Ngeng tận tình chỉ dạy, sau một thời gian chịu khó học tập, tôi có thể đan lát một số kiểu gùi, rổ, rá. Thấy tôi làm được, một số đoàn viên, thanh niên và thiếu niên trong làng cũng bắt đầu đến học. Vào buổi tối cuối tuần, các bạn trẻ đến học đan lát tại nhà ông Ngeng”.
Ông Đinh Klong-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Htok-nhận xét: “Ông Ngeng là người đan lát nổi tiếng ở trong xã. Ông cũng thường xuyên tham gia các hội thi đan lát do các cấp tổ chức và đạt nhiều giải cao. Sản phẩm ông làm đẹp mắt và bền chắc được bà con trong xã ưng ý. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để ông Ngeng truyền dạy kỹ thuật đan lát cho người dân và thế hệ trẻ nhằm lưu giữ và phát huy nghề truyền thống này”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm