Kinh tế

Doanh nghiệp

Rơi vào vòng xoáy nợnần, ai sẽ cứu Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và vay vốn ngắn hạn đi đầu tư dài hạn, đã khiến nhiều “ông lớn” như Thủy sản Hùng Vương, HAGL của Bầu Đức... phải nếm trái đắng. Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ cũng đang đi theo xu hướng đó và liệu có thoát khỏi những “cám cảnh” tương tự?
Tôn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đang gặp phải rất nhiều khó khăn vì đòn bẩy tài chính (Ảnh: IT)
Tôn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đang gặp phải rất nhiều khó khăn vì đòn bẩy tài chính (Ảnh: IT)
Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ hàng tồn giá cao, dòng tiền hoạt động âm và tỷ lệ đòn bẩy “khủng”. Đáng nói, trên sàn chứng khoán, HSG của đại gia Lê Phước Vũ cũng là một cái tên được giới đầu tư “đặc biệt chú ý” khi là một trong những doanh nghiệp có dư nợ vay rất cao với con số lên tới 15.880 tỷ đồng, cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu.
Hàng loạt “ông lớn” nếm trái đắng vì đòn bẩy tài chính
Vấn đề ở Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ không phải là mới, mà nhiều doanh nghiệp cũng bị sa vào vũng lầy nợ nần khi lạm dụng đòn bẩy tài chính để “bành trướng”. Ví như “ông lớn” Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG). Từng được mệnh danh là vua thủy sản nhưng vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn khiến HVG rơi vào bẫy rủi ro. Đến năm 2017 trở về đây, HVG liên tục phải bán tài sản để lấy tiền trả nợ. Năm 2017, HVG liên tục bán ra 4 mảnh đất thu về hơn 370 tỷ đồng, đồng thời cũng thoái toàn bộ 54,28% vốn cổ phần tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Bước sang năm 2018, HVG tiếp tục thông báo bán thêm trên 50% cổ phần tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và nguồn tiền thu về sẽ được dùng để trả các khoản nợ đang đến hạn.
Hoàng Anh Gia Lai (HoSe: HAG) của Bầu Đức cũng đang ngập ngụa trong nợ, lợi nhuận không đủ để trả lãi vay ngân hàng và hàng loạt tài sản phải bán đi để lấy tiền trả nợ. Ví như, HAGL đã buộc phải bán đi một trong những mảng kinh doanh hiệu quả nhất lúc bấy giờ là mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công, chuyển nhượng nhiều dự án thủy điện, bất động sản cho các doanh nghiệp khác.
Những thương vụ nêu trên cũng chưa thể giúp HAGL thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. Đến cuối năm 2017, Bầu Đức cũng buộc phải bán ra 23 triệu cổ phiếu HAG để hỗ trợ HAGL tái cơ cấu các khoản vay. Dù vậy, đến 30.6, Bầu Đức vẫn đang có dư nợ vay ngắn và dài hạn là hơn 23.161 tỷ đồng. Đặc biệt, tính đến hết quý 2.2018, nợ ngắn hạn HAGL đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.428 tỷ đồng. Chưa kể, nợ vay ngắn hạn đang vượt xa nhiều lần doanh thu khiến HAGL cũng đang mất cân đối tài chính trầm trọng.
Mặc dù vậy, Bầu Đức, Thuỷ sản Hùng Vương cũng đã được đại gia chìa tay cứu. Với Thủy sản Hùng Vương, sau khi bán đất, bán công ty thực phẩm (FMC) và chuẩn bị bán luôn DN Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) thì bất ngờ nhận được sự giúp đỡ của Vingroup (HoSE: VIC). Cụ thể, chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm nay, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT của HVG cho biết, trong thương vụ VTF, Vingroup (VIC) đóng vai trò hỗ trợ vốn cho HVG, vì thế việc bán này đã có cam kết trong thời gian 5 năm, nếu chỗ VTF làm ăn tốt, VIC sẵn sàng cho phép HVG mua lại. Trong thời gian tới, VTF có những vấn đề gì vướng về vốn thì VIC sẽ hỗ trợ.
Còn với Hoàng Anh Gia Lai, trong điều kiện huy động vốn cực kỳ khó khăn, HAG đã tìm được "cái bắt tay tỷ USD" với tập đoàn THACO của tỷ phú USD Trần Bá Dương. 
Ai cứu Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ?
Còn với Tôn Hoa Sen, theo báo cáo tài chính mới được công bố, DN này cũng đang có nhiều vấn đề về “sức khỏe tài chính” cực kỳ nghiêm trọng.
Cụ thể, theo thống kê, tính đến 30.6, vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) của HSG đã đạt đến con số xấp xỉ 16.000 tỷ đồng (tăng 34% so với đầu năm và tăng 46,7% so với cùng kỳ). Mặc dù nợ ngắn hạn đã giảm so với mức đỉnh điểm 13.900 tỷ đồng (cuối quý I.2018), nhưng với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt mức kỷ lục gần 3,1 lần như hiện tại đang khiến nhà đầu tư cực kỳ lo ngại bởi khi sử dụng đòn bẩy quá lớn, chi phí tài chính của HSG cũng tăng chóng mặt. Thống kê cho thấy, chi phí lãi vay của HSG 9 tháng đầu năm của HSG đã lên đến 577 tỷ đồng (tăng 75%).
Hoa Sen đang vay ở hàng chục ngân hàng trong và ngoài nước (Ảnh: BCTC)
Hoa Sen đang vay ở hàng chục ngân hàng trong và ngoài nước (Ảnh: BCTC)
 Ngoài gánh nặng nợ vay, HSG đang chịu áp lực rất lớn về lượng hàng tồn kho. Theo thống kê, hàng tồn kho và tài sản cố định cùng tăng gần gấp đôi so với niên độ trước. Tính đến thời điểm ngày 30.6, giá trị hàng tồn kho của HSG đạt 8.337 tỷ đồng. Chưa kể, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng hiện đang lên tới con số 2.359 tỷ đồng hiện nay cũng là một điều đáng lo ngại vì tiềm ẩn rủi ro cao.
Đặc biệt, khi tỷ giá, lãi suất đã qua vùng đáy có thể sẽ đẩy Hoa Sen lâm vào “vòng xoáy” nợ nần bởi có đến khoảng 70% nợ vay của HSG là ngắn hạn, mà doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục đổ vốn vào mở rộng đầu tư, xây nhà máy ở Nghệ An, Hà Nam, Bình Định,... vươn sang các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, căn hộ cao cấp.
Ngoài ra, báo cáo tài chính của HVG quý 3 niên độ tài chính 2017-2018 (1.4 - 30.6.2018) cũng cho thấy tình hình kinh doanh của HVG đã cải thiện nhiều. Chẳng hạn, doanh thu hợp nhất quý 3 công ty đạt 1.512 tỷ đồng; giá vốn hàng bán giảm từ 3.170 tỷ về 1.391 tỷ đồng, tức giảm hơn 56%; lợi nhuận đạt gần 14 tỷ đồng, riêng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 30 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc cổ phiếu liên tục giảm giá (về vùng giá 10.000 - 11.000 đồng/CP) cũng phần nào phản ánh được lo ngại của giới đầu tư với bài toán mà HSG đang áp dụng là sử dụng nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn trong điều kiện thị trường tài chính biến động.
Rơi vào vòng xoáy nợ nần, ai sẽ cứu Tập đoàn Hoa Sen của Lê Phước Vũ?
Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm