Tết xưa, tết nay

Rộn ràng mâm cỗ ngày Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên mâm cỗ ngày Xuân, ai ai cũng vui cười ôn lại chuyện đã qua, kể cho nhau nghe những vui buồn của những tháng ngày xa cách quê hương.

 

 Mâm cỗ ngày xuân. (ảnh minh họa)
Mâm cỗ ngày xuân. (ảnh minh họa)


Ông bà mình thường nói: Tết là phải nhất. Nhất ở đây không chỉ từ việc trang hoàng nhà cửa mà đến chuyện ăn uống cái gì cũng phải ngon, lạ. Mâm cổ ngày xuân cũng vậy, phải “rộn ràng” như nét văn hóa của chính người Việt.

Năm nào cũng vậy, cứ đến 28 tháng Chạp là nhà tôi chộn rộn hẳn lên. Ba tôi đi chợ không biết bao nhiêu lần cốt ý để mua hoa và trái cây chưng Tết. Còn má tôi thì tất bật với các loại mứt dừa, mứt chùm ruột, mãng cầu, mứt tắc… Thằng em tôi thì chạy tới chạy lui lau dọn bàn thờ, bàn ghế, nhà cửa. Riêng tôi được phân công phụ trách phần mâm ngũ quả và cắm mấy bình hoa trên bàn thờ ngày Tết.


 

 Khổ qua nhồi thịt, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết
Khổ qua nhồi thịt, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết


Chiều 30 Tết là nhà tôi lại chộn rộn cho mâm cỗ ngày Xuân. Bởi ba tôi quan niệm: “Ông bà về nhà ăn Tết có mấy ngày nên phải chuẩn bị cho tươm tất”. Trên bàn thờ, ngoài hoa và mâm ngũ quả, nhang, đèn… ba còn cẩn thận đặt lên đó những chiếc ly nhỏ để đựng rượu, trà, nước lọc mà theo ba làm vậy để cho ông bà ấm lòng trong mấy ngày xuân.

Má tôi lại tất bật chuẩn bị nhiều món ăn ngon cho mâm cỗ đón ông bà. Ngoài bánh mứt, má còn làm nhiều món ăn lắm. Chỉ riêng nồi thịt kho tàu, má kho gần cả 10 ký thịt, khổ qua thì một nồi to; còn giò, chả, nem thì đầy tủ lanh. Mấy ngày Tết, tủ lạnh nhà tôi bao giờ cũng trong trang thái “hấp hối” vì chúng luôn quá tải. Nhiều lúc tôi hỏi sao phải làm thức ăn nhiều đến thế thì má lại cười bảo “Tết nhứt mà con”. Và dĩ nhiên, đi theo cái nhất đó là hàng chục món ăn do má tôi cầu kỳ chế biến.

 

Kể cả nồi thịt kho tàu
Kể cả nồi thịt kho tàu


Má tôi thường cho rằng, ngày Tết, mọi thứ phải được chuẩn bị chu đáo. Và sự chu đáo ấy không chỉ thể hiện qua sự tinh túy trong cách chế biến món ăn mà cầu kỳ cả khâu nguyên liệu. Chỉ riêng bánh Tét cho mâm cỗ ngày xuân, má tôi cũng đã dày công lựa chọn nguyên liệu. Nếp phải là loại ngon nhất, đậu xanh phải là loại trên sàng, hạt bóng đều, còn thịt heo cho phần nhân phải là thịt ba rọi tươi ngon. Hay với món thịt kho tàu, má tôi cẩn thận lựa từng miếng thịt, ướp, kho sao cho phần mỡ phải trong veo nhưng da và thịt phải đượm màu vàng cánh gián. Còn chả lụa, nem phải làm từ loại thịt tươi ngon, còn nóng hổi. Ngoài ra, những hũ dưa kiệu, dưa món, cải chua ăn kèm cũng được má chế biến công phu.
 

Chả, nem cũng không thể thiếu trong ngày Tết
Chả, nem cũng không thể thiếu trong ngày Tết



Chiều 30 Tết, bà con dòng họ đã tề tựu đầy đủ ở nhà tôi để rước ông bà. Bên mâm cỗ ngày Xuân, ai ai cũng vui cười ôn lại chuyện đã qua, kể cho nhau nghe những vui buồn của những tháng ngày xa cách quê hương. Mọi câu chuyện như góp thêm niềm vui, niềm hạnh phúc cho buổi đoàn tụ gia đình trong ngày cuối năm.
 

 Bánh tét cho ngày xuân
Bánh tét cho ngày Xuân


Mâm cỗ ngày xuân không chỉ là nét đẹp văn hóa văn hóa, là quốc hồn quốc túy của mỗi người dân Việt mà chúng còn mang giá trị tinh thần lớn lao cho những người con xa xứ. Đó cũng như là cách để chúng ta hiểu hơn, thêm yêu quý, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm