Điểm đến Gia Lai

Rừng khộp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm còn đang công tác, cứ đến mùa khô Tây Nguyên, tôi lại dành thời gian về vùng biên giới phía Tây tỉnh Gia Lai để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng trong mùa thay lá. Những cánh rừng khộp bạt ngàn với những loài cây họ dầu như: dầu đồng, dầu lông, sao, cẩm liên, chò chỉ… Những khoảnh rừng với những mảng màu đỏ, vàng rực rỡ như thể rừng thu ở châu Âu.

Băng qua khu rừng khộp mùa khô, không chút gió nhưng lá vẫn rơi đều; tôi đạp trên những chiếc lá vàng khô tạo nên thứ âm thanh đủ khiến con bìm bịp trong bụi le giật mình dáo dác bay lên. Những người trong ngành lâm nghiệp giải thích cho tôi rằng, rừng khộp là loại rừng đặc biệt, duy nhất tồn tại ở vùng Đông Nam Á; đó là rừng thưa tán lá rộng, thường tập trung các loại cây họ dầu với nhiều động-thực vật phong phú.

Ở Việt Nam, vùng biên giới Tây Nguyên giáp Campuchia chạy từ phía Tây cao nguyên Pleiku đến Tây Ninh có những khu rừng khộp trải rộng ngút ngàn. Ở Đak Lak và Đak Nông có Vườn Quốc gia Yok Đôn là loại rừng khộp có hệ sinh thái đặc biệt còn được bảo tồn khá bài bản.

Nhiều người cho rằng, rừng khộp là rừng nghèo nên khai thác bừa bãi, tự xâm hại biến đất rừng thành đất trồng cây nông nghiệp hoặc cây công nghiệp, ít quan tâm đến việc bảo vệ, gìn giữ làm biến dạng hoặc mất đi hệ sinh thái của loại rừng đặc biệt này. Cũng có người lý giải rằng, cần khai phá những loại rừng thưa thớt, ít giá trị kinh tế này để chuyển sang trồng cây cao su sẽ đem lại lợi ích lớn hơn. Quan điểm ấy một thời đã bị các nhà khoa học lâm sinh phản biện rốt ráo, vì theo họ, các vườn cây cao su không phải là rừng và nó không bao giờ thay thế được rừng tự nhiên. Theo các nhà khoa học, rừng tự nhiên, trong đó có rừng khộp là môi trường sống của muôn loài, trong đó có những loài đặc hữu cần bảo vệ.

Ngày xưa, theo những người có kinh nghiệm đi rừng cho biết, những khoảnh rừng khộp rộng lớn ở Tây Nguyên sát biên giới Việt Nam-Campuchia thường xuất hiện nhiều loại động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: bò xám, voi châu Á, hổ, mang lớn, nai cà tông… Nhưng sau này, rừng bị tàn phá, môi trường sống bị xâm hại nên các loài thú quý hiếm lần lượt biến mất, có loài dường như tuyệt chủng.

Ở Gia Lai, vùng rừng khộp thuộc xã biên giới Ia Mơr, Ia Púch (huyện Chư Prông) là những khoảnh rừng giàu sản vật tự nhiên, có hệ sinh thái ổn định, là con đường di chuyển của các loài thú hoang dã quý hiếm, đặc biệt là voi châu Á thường xuyên qua lại giữa vùng Ea Súp-Đak Lak và Ia Mơr-Gia Lai. Khi có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơr với năng lực tưới dự kiến khoảng 12 ngàn ha (Ia Mơr khoảng 8.000 ha và Ea Súp khoảng 4.000 ha) với hồ chứa khoảng 200 triệu m3 nước thì trong đó xuất hiện vấn đề nan giải là phải chuyển đổi vùng rừng khộp thành đất nông nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc khai phá cả vạn héc ta đất rừng khộp, làm mất đi hệ sinh thái đặc biệt và môi trường sống của nhiều loài động-thực vật quý hiếm mà không phải nơi nào cũng có. Đây là bài toán khó cho các nhà quản lý và cơ quan hoạch định chính sách ở địa phương và trung ương.

Ở Ia Mơr ngày nay, những loài cây họ dầu trút lá vàng mùa khô và xanh thẫm vào mùa mưa Tây Nguyên và các loài chim thú ngày càng ít đi. Đến Ia Mơr lần này, tôi lại ước mơ được nhìn ngắm những khoảnh rừng khộp mùa khô ngày xưa, được làm “con nai vàng ngơ ngác/đạp trên lá vàng khô…” (thơ Lưu Trọng Lư).

Có thể bạn quan tâm