Pleiku từng đón bước chân phiêu lãng của bao thi sĩ. Có người đơn giản là ghé qua, có người gắn bó một phần đời, để rồi mang theo trong mình ký ức về miền ngàn thông thấp thoáng trong sương núi sớm sớm, chiều chiều.
Lê Nhược Thủy là một trong số đó. Ông tên thật là Lê Hữu Huế, SN 1949, tốt nghiệp cử nhân văn chương Đại học Sư phạm Huế năm 1972.
Từ năm 1972 đến 1980, ông tham gia giảng dạy tại nhiều trường ở Pleiku. Từ năm 1981, ông công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh), Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển sang làm báo Thanh Niên chủ nhật, Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên cho đến lúc về hưu.
Trước “Mắt núi”, ông đã xuất bản 5 tập thơ: “Ngày Tổ quốc vinh quang”, “Những ngọn đuốc hòa bình Việt Nam”, “Khi không mà bỗng nhớ”, “Chia tay một dòng sông”, “Thưa em trời đất nhớ quên”.
Thế hệ chúng tôi được sinh ra khi Pleiku đã vắng đi ảnh hình một thầy giáo làm thơ được nhiều người biết tiếng. Tôi không biết nhiều về thơ ông mà chỉ ấn tượng cái tên Lê Nhược Thủy ở 2 chi tiết.
Một là 2 câu thơ mà nhà thơ Xuân Diệu viết tặng ông trong một lần đến Pleiku: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”. Hai là những câu thơ về mối tình mới chớm trong bài “Trong yên lặng” của ông được nhạc sĩ Vũ Hoàng (ghi dấu trong lòng khán giả nhiều thế hệ với ca khúc “Phượng hồng”) phổ thành bài hát “Em có còn thắt bím”. Đây là một trong những bài hit của nhóm Tam ca Áo Trắng một thời.
Mãi đến khi đọc tập thơ “Mắt núi”, tôi mới được hiểu thêm về một hồn thơ đã yêu Pleiku bằng thứ tình yêu không mờ phai đi bởi khoảng cách. Đa phần những tác phẩm trong tập thơ này sáng tác ngay sau những năm ông chia xa phố núi.
Vì vậy, “đóng đinh” trong thơ Lê Nhược Thủy là một Pleiku đượm màu hoài niệm, một Pleiku cũ càng mà chẳng thể nguôi nhớ: “Pleiku thân yêu/Nơi tôi sống mười năm với sương buông nên sớm nên chiều/Với cơn mưa dầm dề buốt lạnh/Từng đọt nắng vàng rót mật mỗi mùa hoa/(…) Gió mùa khô xoáy tròn bụi đỏ/May mà tôi nhận ra em”.
Tiếng reo thầm lãng mạn, che lấp thực tại khắc nghiệt và lam lũ của một thị xã nghèo sau cuộc chiến. Địa danh mãi mãi trở thành tiếng gọi ngân vang niềm khắc khoải: “Pleiku, Pleiku/Thị xã như trái tim đỏ thắm/Như tiếng cồng sâu lắng/Giữa tâm hồn” (Pleiku thân yêu).
Sự kết nối khó chia cắt giữa một tâm hồn với một vùng đất còn ẩn hiện trong những câu thơ tình đằm thắm: “Tình yêu bay xa theo cánh chim/Rừng thông xanh một đời ở lại/Về đâu hỡi mùa hoa dâng trái/Bụi đỏ ngỡ còn cay mắt đêm” (Bụi đỏ).
Ai đã từng đắm mình trong nắng bụi mưa lầy Pleiku ngót 50 năm trước như thầy giáo Lê Nhược Thủy lại có thể quên thứ “đặc sản” ấy của xứ núi? Và đây nữa, dễ gì thoát khỏi sự mê hoặc của rừng dù là đang đứng trước biển: “Gió biển chiều thường mang nhiều vị mặn/Những cánh buồm căng dáng mái nhà rông” (Biển). Vẫn là cao nguyên ấy, rừng núi ấy trở thành thi hứng trong tác phẩm chủ đề của tập thơ: “Mắt núi bây giờ đang ở đâu/Mà đêm nay trăng lạnh/(…) Rừng trong ta cơ hồ thác đổ/Rừng trong ta bừng cháy dưới chân em”.
Thơ Lê Nhược Thủy có lối dùng từ cùng những hình ảnh rất lạ, đầy sáng tạo, không dễ quên dù chỉ đọc qua một lần. Viết về cây kơ nia đã có bài “Bóng cây kơ nia” quá nổi tiếng của nhà thơ Ngọc Anh, nhưng Lê Nhược Thủy cũng khắc sâu vào tâm trí người đọc một lối ví von bất ngờ: “Nhìn bóng cây kơ nia/Như dáng chàng vạm vỡ/Cây uống lửa mặt trời/Cho mẹ em làm cỏ” (Xuống núi).
Nói đến An Khê, thật khó quên những câu thơ rất trữ tình của nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn/Nhớ thị xã ôi nhiều vô chừng dốc/Quãng đời vang tiếng cười, quãng đời đầy nước mắt/Anh làm sao sống được đến hai lần (Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn).
Với Lê Nhược Thủy, cảm xúc về An Khê thoáng chút hoang liêu mà vẫn tròn đầy: “Ta nhớ em vô chừng/Ngựa hoang đã đứng bên mùa thu nghiệt ngã/An Khê điệp trùng cây lá/Mà trong ta nắng võ vàng” (An Khê và An Khê).
Thơ là sự sáng tạo không lặp lại, không thể bắt chước. Vì lẽ đó mà hàng ngàn nhà thơ đã viết về biển, vậy mà biển của Lê Nhược Thủy vẫn đủ sức khiến ta ngạc nhiên: “Biển mênh mông tấm lòng/Từng nếp nhăn không ngừng suy nghĩ/(…) Biển và trời hôn nhau thầm lặng/Làm sao anh chẳng nhớ em” (Biển).
Hay như đôi mắt Pleiku từng không ít lần đi vào thơ, nhạc nhưng nhà thơ từng cầm phấn này vẫn có cách diễn đạt riêng buộc ta phải dừng lại ở trang ấy: “Đôi mắt Pleiku/Thuở sương mù/Anh nhớ/Núi rừng đang thở/Suốt mùa hoang vu/Đôi mắt Pleiku/Ngàn gió ru/Anh biết/Bão đời cay nghiệt/Xoáy vào thiên thu”.
Không có thách đố câu chữ theo kiểu “làm sang”, chỉ có tứ thơ đầy sức gợi. Đó chẳng phải cái tài của người cầm bút là gì.
Đôi khi ta tự hỏi: Điều gì làm nên vẻ đẹp tâm hồn của một xứ sở? Phải chăng một phần được đắp bồi bằng những lát cắt cảm xúc của bao con người từng sống, từng lưu lại ký ức đẹp đẽ nơi đó? Nếu vậy, ta phải dành cho nhà thơ Lê Nhược Thủy một lời cảm ơn về “mối tình” nồng nhiệt, sâu đậm dành cho Pleiku.