Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

“Rượu vang” Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những loại quả thưởng thức cho “vui” miệng, gắn với ký ức tuổi thơ của không ít người Tây Nguyên, giới yêu ẩm thực phố núi Pleiku đã sáng tạo nên dòng rượu vang cao nguyên hấp dẫn mang tên boh chieng lai, chòi mòi (boh kchil).

Mùa quả chín

Cây chòi mòi trong vườn của gia đình bà Dách (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vươn tán cây che mát đoạn đường đi vào giọt nước của làng. Từng chùm quả chín mọng nổi bật dưới tán lá xanh thẫm. Mùa quả về mang theo bao ký ức của người phụ nữ Jrai.

Bà Dách kể: “Phụ nữ thường thích ăn chua nên mẹ tôi mang cây chòi mòi từ rẫy về trồng trong vườn hàng chục năm nay. Trong làng nhiều gia đình cũng trồng loại cây này. Chòi mòi không có nhiều giá trị kinh tế, trồng ăn cho vui nhưng nhiều người thích. Mấy năm gần đây, chòi mòi còn được mua để làm sirô hoặc rượu”.

Một cây chòi mòi cổ thụ vươn ra đường làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Châu

Một cây chòi mòi cổ thụ vươn ra đường làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Châu

Trong vườn của gia đình chị Tuyết (làng Ia Nueng) cũng trồng cây chòi mòi. Cây cao hàng chục mét nên mỗi lần hái, chị đều phải bắc thang. Nhà ở sau Nhà hàng Tơ Nưng đối diện cổng vào thắng cảnh Biển Hồ, mùa quả chín, chị Tuyết thường hái quả mang ra bán cho khách du lịch. Nhiều du khách khi biết đây là thức quả mà hoa hậu H’Hen Niê từng mukbang (ăn và giới thiệu trực tuyến trên mạng xã hội) thì bày tỏ sự thích thú liền mua và thưởng thức.

Chị Tuyết chia sẻ: “Năm nay, chòi mòi được mùa, có cây hái được cả tạ quả. Cây nhà mình chín sớm hơn mọi nhà, ăn không hết nên mang ra đây bán. Có ngày mình hái bán được 6-7 gùi. Nhiều khách từ mua ăn thử thấy thích nên mua cả gùi. Mình còn hướng dẫn cho họ cách ủ rượu chòi mòi”.

Là cây thân gỗ, quả gần chín có màu đỏ giống hệt như quả cà phê, nhưng khi chín hẳn chòi mòi chuyển sang màu đen. Chùm quả chòi mòi có hình dáng như chùm hồ tiêu nhưng kích thước lớn hơn.

Quả chòi mòi khi gần chín có màu đỏ như quả cà phê. Ảnh: Minh Châu

Quả chòi mòi khi gần chín có màu đỏ như quả cà phê. Ảnh: Minh Châu

Một loại quả có nhiều tương đồng với chòi mòi nhưng khi chín có màu thẫm hơn, đó là boh chieng lai. Quả boh chieng lai chín mọng có màu sắc và hình dáng giống như quả việt quất.

Mùa boh chieng lai và chòi mòi bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9, tháng 10 hàng năm. Nếu chòi mòi được nhiều người dân địa phương đưa về trồng trong vườn nhà thì boh chieng lai vẫn là giống cây hoang dại tự do nơi rừng núi.

“Rượu vang” của Tây Nguyên

Từ loại quả mang nhiều ký ức tuổi thơ, những người yêu ẩm thực đã sáng tạo ra dòng rượu vang riêng có của cao nguyên. Thức uống có cồn lên men từ quả chòi mòi chín được chủ Nhà hàng Tơ Nưng-ông Chu Văn Chỉ, ví như một loại vang hảo hạng.

Cách đây nhiều năm, khi mở nhà hàng ở ngôi làng Jrai lâu đời bên “mắt ngọc” Biển Hồ, ông Chỉ đã chú ý loại quả thu hoạch vào mùa mưa này. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thuốc Nam, ông Chỉ nhanh chóng phát hiện những tính vị độc đáo của chòi mòi và khai thác đưa vào ẩm thực.

Ông Chỉ cho biết: “Cây chòi mòi trồng khá nhiều trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Lá non cây chòi mòi vị chát nhẹ, có lợi cho tiêu hóa, tôi đưa vào món gỏi lá. Còn quả chòi mòi ủ lên men làm thành loại rượu đặc trưng riêng của Tây Nguyên. Rượu chòi mòi tựa như rượu vang, để càng lâu càng ngon, hương vị đặc biệt. Người làm trong ngành ẩm thực truyền thống thường chú ý khai thác hương vị đặc trưng của địa phương để mang đến trải nghiệm độc đáo cho thực khách”.

Ông chủ Nhà hàng Tơ Nưng còn cho biết thêm, sau thành công của rượu ghè men lá nhà hàng đã ủ bán cả ngàn ghè mỗi năm, ông sẽ thương mại hóa dòng rượu vang từ chòi mòi để phục vụ khách.

Từ quả boh chieng lai, anh Đoàn Lanh đã làm ra loại đồ uống rất thú vị. Ảnh: M.C

Từ quả boh chieng lai, anh Đoàn Lanh đã làm ra loại đồ uống rất thú vị. Ảnh: M.C

Không chỉ thử nghiệm với dòng rượu vang từ chòi mòi, anh Đoàn Lanh (đường Lê Đại Hành, TP. Pleiku) còn tạo ra loại thức uống chill thú vị từ quả boh chieng lai. Anh cho hay, quả chòi mòi khi còn xanh thì có vị chua và hơi chát, nhưng khi chín lại có vị chua ngọt. Còn quả boh chieng lai khi xanh có vị chát, khi chín thì mọng nước, vị ngọt, ăn nhiều có thể bị say.

Quả boh chieng lai. Ảnh: Đoàn Lanh

Quả boh chieng lai. Ảnh: Đoàn Lanh

Quá trình lên men của 2 loại quả tương tự nhau, nhưng thời gian ủ kéo dài ít nhất 30-45 ngày trở lên. Nếu ủ không đủ, rượu non vị mà màu sắc cũng không được như ý. Nếu rượu boh chieng lai có vị ngọt, chát nhẹ thì chòi mòi ngọt và hậu vị chua nhẹ.

Cả 2 loại “vang Tây Nguyên” này đều có màu đỏ bordeaux rất đẹp, nhưng vang chòi mòi tươi hơn, còn vang làm từ boh chieng lai màu đậm hơn. “Tôi thường mua nguyên cả cây to, đợi quả chín đều 90-95% mới trải bạt bên dưới hái như hái cà phê. Quả phải chín đều mới đủ phẩm chất để lên men cho sản phẩm rượu vang Tây Nguyên”-anh Lanh cho biết.

Là người làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chàng trai thế hệ gen Z này rất mong giới thiệu thêm phong vị của vùng đất Gia Lai thông qua thức uống đặc trưng. “Rượu vang Tây Nguyên” được anh đóng chai thủy tinh bắt mắt theo chân bao du khách trong các hành trình khám phá như một loại đồ uống để chill.

Có thể bạn quan tâm