Hiện trường vụ phá rừng trong lâm phần quản lý của Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn. Ảnh: P.V |
Từ 30.000ha rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ ban đầu, tính đến cuối năm 2016, diện tích rừng, đất lâm nghiệp của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn) chỉ còn hơn 7.500ha. Việc để mất hơn 22.000ha rừng, đất lâm nghiệp có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không kể đến chuyện cán bộ, lãnh đạo Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn chung tay xà xẻo, chia chác đất rừng, có dấu hiệu bảo kê để “lâm tặc” phá rừng…
Quản lý yếu kém, để mất hàng ngàn hecta rừng
Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa kết luận, trong vòng 7 năm (từ tháng 4.2009 - 31.12.2016), diện tích rừng mà Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) để mất là 4.000ha, trong đó có hơn 3.900ha rừng tự nhiên. Riêng đối với diện tích rừng 6 tháng đầu năm 2017 bị mất và được lập biên bản là hơn 22ha.
Còn nữa, từ năm 2011-2016, Cty còn hợp đồng bảo vệ rừng với HTX Hợp Tiến nhưng để mất hơn 733ha tại hai tiểu khu 1644 và 1645. Ngoài ra, Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn còn để hơn 349ha đất rừng bị phá, lấn chiếm. Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ rõ, trong 7 năm qua, việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà trái phép, cư trú bất hợp pháp diễn ra liên tục, thường xuyên trên diện tích hơn 4.000ha đất của Cty Quảng Sơn. Trong thời gian này, hơn 1.344 hộ dân đã chiếm dụng trái phép và 313 hộ dân cư trú không hợp pháp trên 30% tổng số diện tích đất mà công ty này được cấp GCNQSDĐ.
Quá trình được giao quản lý, bảo vệ rừng, Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn cũng sử dụng 30,12ha đất lâm nghiệp để giao khoán cho cán bộ nhân viên và người dân trồng cà phê. Diện tích đất này chưa được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cây lâu năm, một số hộ đã lợi dụng chủ trương giao khoán để chuyển nhượng hợp đồng. Hợp đồng trồng rừng 34ha được các hộ dân tự khai thác, lấn chiếm trồng cây cối hoa màu, làm nhà, cư trú không hợp pháp và chuyển nhượng trái phép 14,7ha.
Người bị kỷ luật, kẻ bị tâm thần sau khi để mất rừng
Ngoài những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn chỉ ra hàng loạt các sai phạm khác của Công ty Quảng Sơn như tổ chức bộ máy, lao động; hợp đồng giao khoán đất rừng… Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’long) vừa bị UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định kỷ luật với hình thức “khiển trách”. Theo đó, trong quá trình công tác, ông Quý đã có những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại lâm phần do Cty quản lý từ đầu năm 2017 đến nay.
Bê bối tại Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn chưa dừng lại ở đó. Vào tháng 4 vừa qua, Viện KSND tỉnh Đắk Nông phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Gia Tuấn - Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2, thuộc Cty Lâm nghiệp Quảng Sơn - về tội “Nhận hối lộ”. Đáng nói, bản thân Đinh Gia Tuấn là cháu họ của ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch Công ty.
Cơ quan điều tra kết luận, Đinh Gia Tuấn với vai trò là Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2, đã nhận hối lộ một khoản tiền lớn của một số lâm tặc. Sau khi nhận tiền, Tuấn đã làm ngơ cho các đối tượng này vào tiểu khu 1680, thuộc lâm phần của Công ty chặt phá nhiều hecta rừng tự nhiên.
Chưa hết, gần đây, Công an tỉnh Đắk Nông có quyết định khởi tố bị can, lệnh khám nơi làm việc đối với ông Nguyễn Công Doanh - Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Việc khởi tố, tạm giam ông Doanh là để điều tra hành vi hủy hoại rừng. Theo kết quả điều tra, ông Doanh là người đã cho phép một số đối tượng hủy hoại gần 6ha rừng tự nhiên tại khoảnh 1, tiểu khu 1680, thuộc lâm phần do Công ty Quảng Sơn quản lý. Ngoài ra, ông Doanh cũng chỉ đạo cấp dưới không ngăn chặn, không lập biên bản đối với hành vi hủy hoại rừng của các đối tượng. Vụ phá rừng này được phát hiện vào tháng 12.2017. Tuy nhiên, vài ngày sau khi có lệnh khởi tố, ông này bất ngờ bị đổ bệnh tâm thần nên được cho đi chữa bệnh?
Trao đổi với Báo Lao Động về nguyên nhân để mất rừng, ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn - lý giải, việc mất rừng là do dân di cư tự do quá lớn. Họ sống trong rừng rồi phá rừng trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng.
Theo ông Quý, chức năng nhiệm vụ của chủ rừng là tuần tra, báo cáo chứ không được lập biên bản các trường hợp phá rừng. “Trong khi đó, UBND huyện có cả một hệ thống chính trị nhưng không vào cuộc thì để mất rừng trách ai bây giờ… Tôi nói thật, khi đồng lương lực lượng bảo vệ rừng quá thấp trong khi lòng tham của con người rất khó lường! Dưới góc độ lãnh đạo, tôi chỉ quán triệt chớ làm sao quản lý con người được!?” - ông Quý nói.
Liên quan đến vụ việc của Đinh Gia Tuấn với vai trò là Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 và ông Nguyễn Công Doanh - Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng của Cty, ông Quý nói: “Vừa qua tôi cũng có nghe thông tin về việc cơ quan CSĐT khởi tố ông Doanh vì sai phạm trong quá trình công tác, nhưng cụ thể thế nào tôi chưa nắm được. Còn về ông Tuấn, cháu ông Quý, dù có con hay cháu gì thì khi đủ năng lực hành vi, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Phạm Long (LĐO)