Lần đầu là niềm hân hoan khi cùng dân làng đón Tết nơi ở mới (2021), lần tiếp theo là được “thở phào” khi Tu Thó vẫn bình yên sau trận bão Noru (2022), còn lần này là sự hào hứng, bất ngờ khi chứng kiến bà con Tu Thó liên kết làm du lịch.
Tạm biệt cái nóng oi bức ở thành phố Kon Tum, tôi đến với Tu Thó vào một chiều tháng Tư. Con đường bê tông phẳng phiu dẫn chúng tôi lên ngôi làng lưng chừng núi, tiết trời se se lạnh khiến mọi người trong đoàn đều quên đi mỏi mệt sau một hành trình dài.
Khu tái định cư Tu Thó dần hiện ra dưới hoàng hôn. Dân làng Tu Thó thong dong về nhà sau một ngày lao động miệt mài. Trên cung đường cao nhất của khu tái định cư, những ngôi nhà có thiết kế độc lạ được bà con liên kết xây dựng để làm địa điểm du lịch săn mây.
Nhiều tảng mây bồng bềnh trôi ngang qua núi. Ảnh: V.T |
Tôi ngỡ mình đi lạc vào ngôi làng du lịch ở một nơi nào đó chứ không phải là đang ở Tu Thó, từng bị tàn phá bởi mưa lũ năm nào. Cũng đúng thôi, Tu Thó đang hồi sinh, những ngôi nhà “3 cứng” được bà con xây dựng ngày một nhiều, điện đường thắp sáng khi về đêm.
Gặp tôi, già làng A Đúp ngờ ngợ: Hình như cháu lên đây nhiều năm trước? Cháu thấy Tu Thó ngày nay thế nào, khác xưa nhiều không? Không đợi tôi trả lời, già làng A Đúp diễn giải: Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, người dân Tu Thó đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ trồng cây mì, cây lúa, nay bà con đã biết trồng cà phê, trồng rừng, biết vay vốn, liên kết với người khác để trồng sâm Ngọc Linh và làm du lịch.
Vừa nói, già A Đúp vừa chỉ tay về phía những ngôi nhà mới, minh chứng cho sự thay da đổi thịt của khu tái định cư Tu Thó.
Sau vài câu trò chuyện ngắn ngủi trời đã chuyển tối. Anh A Xanh (39 tuổi) - một trong những hộ dân liên kết làm du dịch mời chúng tôi đến ngôi nhà phục vụ cho khách du lịch để nghỉ ngơi. Nếu không tận mắt thấy thì tôi không thể tin được tại một nơi từng khó khăn như Tu Thó lại có chỗ nghỉ ngơi đầy đủ tiện nghi.
Anh A Xanh cho biết rằng mình cũng như nhiều người trong khu tái định cư đã liên kết với một “người tốt” để trồng sâm Ngọc Linh, nhờ vậy mà kinh tế phát triển hơn. Khi kinh tế ổn định, anh tìm thêm việc làm khác để có thể “đẻ” ra tiền. Hiện tại, gia đình anh dùng hơn 300 triệu đồng tiết kiệm để xây ngôi nhà ở kết hợp làm du lịch.
Hiện tại, bà con khu tái định cư Tu Thó đang liên kết làm thêm 7 ngôi nhà, nâng tổng số lên 10 căn để làm du lịch cộng đồng. Ảnh: V.T |
“Người tốt” mà anh A Xanh nhắc đến ở đây chính là anh Nguyễn Văn Hiệp (tỉnh Vũng Tàu) đang đồng hành cùng bà con. Qua vài câu chào hỏi, tôi ngỡ như mình và anh Hiệp đã quen từ lâu.
Anh Hiệp kể, anh đến với Tu Thó như một cái duyên trời định. Anh Hiệp rất thích du lịch trải nghiệm, qua lời giới thiệu của bạn bè, anh đã đến thăm những vườn sâm của các hộ dân của Tu Thó. Cứ mỗi lần đến anh lại lưu luyến không muốn trở về, phần vì thiên nhiên, khí hậu nơi đây biết chiều lòng người, phần vì sự nhiệt tình, quý khách của bà con.
Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, năm 2019 anh Hiệp quyết tâm đến Tu Thó xin liên kết trồng sâm Ngọc Linh với bà con. Nhiều tháng trời, ăn ngủ nhờ nhà dân làng, tình cảm giữa anh Hiệp và bà con ngày càng thắt chặt. Những loại rau rừng dân dã, gần gũi của đồng bào Xơ Đăng, qua đôi tay xào, nấu của người thành phố đã tạo ra những món ăn khiến bà con nơi đây tấm tắc khen.
Anh Hiệp kể: Ngày mới lên ở, ngày nào cũng thấy bà con nấu canh chuối xanh với muối, rau xào cũng chỉ cho muối. Thỉnh thoảng được bữa cơm sang thì có con chuột, con sóc nướng chấm muối. Thấy thế, tôi đã mua nước mắm, hạt nêm về nấu cho bà con ăn. Và cứ thế, bà con xem tôi như người nhà, cùng nhau quây quần bên mâm cơm, bếp lửa mỗi tối.
Hiện tại đã có 25 hộ dân tại khu tái định cư Tu Thó liên kết với anh Hiệp trồng sâm Ngọc Linh, có thu nhập ổn định. Bà con đang tiếp tục tận dụng địa thế về độ cao của khu tái định cư, vị trí nằm sát bìa rừng để kinh doanh du lịch.
Anh Hiệp cho biết: Mục đích của chúng tôi hướng đến du lịch cộng đồng. Các du khách đến đây sẽ được tham gia trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh, tham quan vườn hoa hồng Bulgaria; được săn mây vào buổi sáng và xem cồng chiêng, xoang vào buổi tối; được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Xơ Đăng. Nguồn nhân lực phục vụ là bà con thôn Tu Thó. Ngoài lương “cứng”, bà con được chia thêm lợi nhuận từ việc liên kết trồng sâm, kinh doanh du lịch, chiết xuất tinh dầu hoa hồng.
Sau những lời tâm sự, chúng tôi có một bữa cơm thân mật. Rồi một giấc ngủ trong tiết trời se lạnh, kèm theo sự nôn nao, háo hức đón bình minh.
6 giờ sáng, qua ô cửa kính, chúng tôi thức dậy và ngắm trọn ngôi làng đang ngái ngủ trong làn sương mù. Đi bộ trên con đường bê tông, sương mù bảng lảng trước mặt, chúng tôi đều thấy phấn khích và bất ngờ.
Bình minh dần xuất hiện sau ngọn đồi xa. Đây đó, những tảng mây dày bồng bềnh trôi ngang qua núi. Tôi hít căng lồng ngực, thả hồn trôi theo từng đám mây nơi này.
Cùng săn mây hôm ấy, chúng tôi gặp một chị khách người Hà Nội - chị Đặng Thị Yên (42 tuổi). Chị Yên chia sẻ: Tu Thó là một điểm đến rất lý tưởng, phù hợp với những người có sở thích du lịch trải nghiệm. Ở đây, vào buổi sáng và tối nhiệt độ xuống rất thấp nhưng vẫn dễ chịu, không như cái rét ngoài miền Bắc. Đặc biệt là khi đi du lịch trải nghiệm vườn sâm, tôi được ngắm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, được hít thở không khí trong lành, được uống nước mát chảy ra từ khe núi.
Khi mặt trời lên cao, cũng là lúc những đám mây dần trôi đi. Chúng tôi tiếp tục hành trình trải nghiệm vườn sâm cùng những “hướng dẫn viên du lịch” là đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Họ cởi mở, thân thiện, không ngần ngại kể về những câu chuyện thú vị của bản thân, của làng để làm hài lòng du khách.
Chiều hoàng hôn tại Tu Thó. Ảnh: V.T |
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, thời gian qua bà con Tu Thó nói riêng và nhiều đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nói chung đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển kinh tế, làm du lịch cộng đồng. Hiện tại, bà con khu tái định cư Tu Thó đang liên kết làm thêm 7 ngôi nhà, nâng tổng số lên 10 căn để làm du lịch cộng đồng theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ nghỉ dưỡng, đồng thời phục vụ cho du khách đến tham dự Hội nghị Quốc tế về ẩm thực lần thứ 2 và nhiều hoạt động nhân kỷ niệm lễ 30/4, 65 năm ngày thành lập Căn cứ Tỉnh ủy và kỷ niệm 19 năm thành lập huyện được tổ chức tại thôn Tu Thó vào cuối tháng 4/2024.
“Vừa qua, huyện cử 10 thanh niên Xơ Đăng tham gia “Chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 3 công dân tại làng Tu Thó. Hiện, UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị công nhận làng du lịch cộng đồng Tu Thó với tên gọi Ngọc Linh Roses Village. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian núi rừng, trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh, hoa hồng Bulgaria; được săn mây vào sáng sớm, đón hoàng hôn vào chiều tà trong tiết trời se lạnh; được thưởng thức món ăn truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, hòa mình vào nhịp chiêng, điệu xoang quanh ngọn lửa hồng khi về đêm” - ông Mạnh nhấn mạnh.