Kinh tế

Nông nghiệp

Sản phẩm OCOP: Từ làng ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 67 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, nâng tổng số lên 216 sản phẩm. Chương trình OCOP đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp... có lợi thế ở mỗi địa phương, từng bước giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu để vươn xa trên thị trường.

Nhiều sản phẩm mới lạ

Ông Phan Công Khanh (thôn 2, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) luôn nung nấu ý định tạo ra sản phẩm thịt thỏ hun khói để cung cấp cho người tiêu dùng thay vì bán thông thường. Nghĩ là làm, năm 2020, ông đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm thịt thỏ hun khói mang nhãn hiệu “Thỏ hun khói Khanh Kiều”. Theo ông Khanh, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1 tấn sản phẩm mỗi tháng. “Để quảng bá, nâng tầm giá trị sản phẩm, tôi đã tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Hiện tại, tôi cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt thỏ hun khói với giá khoảng 350.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với bán thỏ thịt”-ông Khanh chia sẻ.

Sản phẩm OCOP Gia Lai được nhiều khách hàng tìm mua. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm OCOP Gia Lai được nhiều khách hàng tìm mua. Ảnh: Nguyễn Diệp


Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) bắt đầu sản xuất cung cấp ra thị trường 2 sản phẩm sấy là hoa đu đủ đực và mướp đắng rừng. Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc HTX-cho biết: Để quảng bá, mở rộng thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. “Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được các cấp, ngành của huyện hỗ trợ bao bì, nhãn mác, hoàn thiện hồ sơ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng bá sản phẩm. Mỗi ngày, HTX sấy được khoảng 30 kg, nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng. Chúng tôi đang mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng trong những năm tới”-ông Diện thông tin.

Trong khi đó, 4 sản phẩm gồm: hạt điều lụa rang muối, cà phê rang xay phin đậm, cà phê Espresso pha máy, cà phê phin giấy của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thảo (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, nổi bật là sản phẩm cà phê phin giấy được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đánh giá cao về ý tưởng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. “Thông thường, người uống cà phê sử dụng phin nhôm hay inox để pha hoặc ép máy. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay đòi hỏi sự nhanh chóng và tiện lợi nên tôi đã sản xuất thêm sản phẩm cà phê phin giấy. Sản phẩm này rất thích hợp cho những chuyến dã ngoại, đi công tác và phù hợp với những người bận rộn. Ngoài ra, ưu điểm cà phê phin giấy còn góp phần bảo vệ môi trường”-bà Thảo bộc bạch.

Theo ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: “Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các chủ thể vẫn chủ động đầu tư sản xuất để có sản phẩm chất lượng tham gia Chương trình OCOP. Ngoài các sản phẩm chủ lực, chúng tôi còn nhận được một số sản phẩm mới lạ như: tinh dầu cà phê (HTX nông nghiệp-dịch vụ Đak Ta Ley, huyện Mang Yang); hoa đu đủ đực và mướp đắng rừng sấy (HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện, huyện Mang Yang); tinh dầu chanh dây, ruột chanh dây cấp đông (HTX nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai, huyện Mang Yang); cà phê phin giấy Thảo Hiên (hộ kinh doanh cà phê Nguyễn Thị Thảo, huyện Ia Grai); trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát (hộ kinh doanh Minh Hưng Phát, huyện Chư Prông)”.

Tạo chỗ đứng trên thị trường

Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 67 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, nâng tổng số lên 216 sản phẩm. Các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, rượu ghè, thịt bò một nắng muối kiến vàng, hạt mắc ca, sachi, măng le rừng, mật ong… đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn nhưng các đơn vị vẫn bán sản phẩm tăng khoảng 20% so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP.

 

Sản phẩm bị khô Đak Đoa được giới thiệu tại tuần lễ đồi cỏ hồng năm 2017. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) được giới thiệu tại Tuần lễ Đồi cỏ hồng năm 2017. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Thiên Chương-Giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho hay: Năm 2020, HTX có 3 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, HTX tiếp tục đầu tư đăng ký nâng hạng sản phẩm trà bí đao Chuya Food từ 3 sao lên 4 sao và sản phẩm thịt bò khô Chuya Food đăng ký 4 sao. Ngoài ra, sản phẩm trà bí đao Chuya Food được một công ty Nhật Bản kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm vừa rồi, chúng tôi chuẩn bị ký hợp đồng với công ty này thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên phải tạm hoãn. Hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế để sản phẩm của HTX xuất sang thị trường Nhật Bản.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Đức Cơ luôn quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương cũng như xuất kinh phí để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Cùng với đó, lãnh đạo huyện mời các đơn vị tư vấn, đánh giá để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh). Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Năm 2022, huyện tiếp tục giữ quan điểm mỗi xã có thêm ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực là điều và trái cây. Nhằm giúp các chủ thể quảng bá sản phẩm, huyện xây dựng 1 trang web để đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao lên sàn thương mại”.

4 Sản phẩm đậu đen xanh lòng của HTX Hạc giấy từ thiện huyện Chư Pưh đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ảnh Đức Thụy.jpg
Sản phẩm đậu đen xanh lòng của HTX Hạc giấy từ thiện (huyện Chư Pưh) đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Đức Thụy


Còn ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho hay: Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song địa phương cùng các chủ thể vẫn nỗ lực thực hiện 15 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Kết quả này là nhờ Tổ tư vấn Chương trình OCOP của huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động các HTX tích cực tham gia chương trình. “Hiện nay, tổ tư vấn đang hướng dẫn các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Ngoài ra, địa phương đang quy hoạch xây dựng một quầy giới thiệu sản phẩm OCOP để quảng bá, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, huyện sẽ tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ người tiêu dùng”-ông Quang nói.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền cho biết thêm: Hiện tỉnh đang định hướng các chủ thể có sản phẩm đạt 4 sao tiềm năng để tiếp tục đầu tư gửi về trung ương đánh giá, phân hạng. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực; tập trung chỉ đạo việc triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương; xúc tiến thương mại và tăng cường công tác rà soát, khuyến khích, hướng dẫn các chủ thể tham gia, đảm bảo sản phẩm có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt... Phấn đấu đến hết năm 2025, dự kiến có 500 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh và 2 sản phẩm dự thi OCOP 5 sao trung ương.

 

 LÊ NAM - NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm