Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Sâu canxi: Thức ăn mới cho cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đang triển khai mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cho cá. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực như giảm chi phí thức ăn, cá tăng sức đề kháng và phát triển tốt.
Đầu tháng 7-2019, trong một lần vào TP. Cần Thơ lấy cá giống về nuôi, anh Đặng Đức Hiệp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ thấy các hộ dân ở đây sử dụng ấu trùng sâu canxi làm thức ăn cho cá rất hiệu quả. Khi trở về, anh liền bàn với các thành viên Hội đồng Quản trị HTX mua trứng ruồi lính đen về ủ thành sâu canxi để làm thức ăn cho cá. Anh Hiệp cho biết: Thời gian ủ trứng ruồi lính đen thành sâu canxi để làm thức ăn cho cá mất khoảng 12-15 ngày. Do đó, HTX phải mua trứng về nuôi gối vụ để có nguồn thức ăn liên tục hàng ngày cho cá.
 Anh Đặng Đức Hiệp đang cho cá ăn sâu canxi. Ảnh: L.N
Anh Đặng Đức Hiệp đang cho cá ăn sâu canxi. Ảnh: L.N
Theo tính toán, chi phí để nuôi 1 kg sâu canxi chỉ hết khoảng 8.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với việc mua các loại thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, việc sử dụng sâu canxi làm thức ăn còn giúp cá tăng sức đề kháng, ít bị dịch bệnh, giữ cho môi trường nước không bị ô nhiễm, ít phải sử dụng kháng sinh mà cá vẫn phát triển tốt. “Chúng tôi thả cá giống mỗi ký khoảng 1.500 con nhưng chỉ sau 3 tháng nuôi, trọng lượng của cá đã đạt mỗi ký khoảng 8-10 con. Cá này nuôi thêm 4 tháng là có thể thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận 13 ngàn đồng/kg cá”-anh Hiệp chia sẻ.
Thấy việc sử dụng sâu canxi làm thức ăn cho cá mang lại hiệu quả, anh Hiệp và các thành viên HTX đã tự tìm hiểu qua sách báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình nuôi ruồi lính đen để không phải vào miền Tây mua nữa. Anh Lê Văn Sóc-thành viên HTX-cho biết: “Nuôi ruồi lính đen cũng rất dễ, ít tốn công, thức ăn chủ yếu là các loại rau củ quả hư hỏng, đồ ăn thừa... Vòng đời của chúng kéo dài khoảng 40 ngày, chia thành các giai đoạn gồm: trứng, ấu trùng sâu, nhộng và ruồi trưởng thành. Chúng tôi đã nuôi thành công và thu hoạch được trứng ruồi lính đen để ủ thành sâu canxi làm thức ăn cho cá”.
Anh Đặng Đức Hiệp (áo trắng) giới thiệu về mô hình nuôi cá sử dụng thức ăn bằng sâu can xi. Ảnh: L.N
Anh Đặng Đức Hiệp (áo trắng) giới thiệu về mô hình nuôi cá sử dụng thức ăn bằng sâu can xi. Ảnh: L.N
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ được thành lập năm 2018 với 32 thành viên. Hiện HTX đang nuôi 7.000 con cá lóc đầu nhím và 9.000 con cá thác lác cườm. Theo anh Hiệp, sử dụng sâu canxi làm thức ăn cho cá ngoài việc giảm được chi phí đầu tư thì còn giúp chất lượng thịt cá thơm ngon hơn và cho ra sản phẩm cá sạch, an toàn. Hợp tác xã đang hướng đến mô hình nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sau thành công của mô hình này, HTX sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi sâu canxi kết hợp nuôi cá cho toàn bộ thành viên và người dân trên địa bàn huyện.      
Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Mô hình nuôi sâu canxi kết hợp nuôi cá của HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ rất mới mẻ ở địa phương. Qua kiểm tra, theo dõi, chúng tôi thấy mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giảm được chi phí đầu vào, cá ít bị bệnh, môi trường nước được đảm bảo và chất lượng cá được nâng cao. Huyện Phú Thiện có tổng diện tích mặt nước khoảng 400 ha, là tiềm năng rất lớn để phát triển, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, người dân chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng này. Do đó, thời gian tới, Phòng sẽ tuyên truyền sâu rộng để người dân tiếp cận, tham quan, học hỏi mô hình này nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
 Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm