Ngoài ra, các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy cơ sở hạ tầng của 15 lĩnh vực kinh tế tại Gaza bao gồm: y tế, giáo dục, xây dựng, nhà ở, dịch vụ đô thị, hành chính, công nghiệp và thương mại, điện lực, giao thông. Không những thế, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 75%, tăng gần 30% so với trước thời điểm xảy ra chiến tranh ngày 7-10-2023. Tính đến ngày 1-5, có 34.568 người Palestine thiệt mạng tại Dải Gaza và 77.765 người bị thương do các cuộc tấn công của quân đội Israel.
Trước đó, Israel cam kết với Mỹ sẽ cho 300-500 xe chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày, so với mức khoảng 1.000 xe đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, ngày 1-5, Văn phòng Truyền thông của Dải Gaza thông báo số lượng xe tải chở hàng viện trợ vào dải đất này trong tháng 4 đã “tăng lên một cách hạn chế”, đạt 164 xe/ngày, vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 31-3-2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại một diễn biến khác, ngày 2-5, TNO cho biết, 57 trong số 212 nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cùng ký vào thư kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden hãy sử dụng mọi biện pháp có thể để thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngừng triển khai chiến dịch tấn công toàn diện TP. Rafarh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, vẫn chưa thấy kế hoạch của Israel bảo vệ dân thường nếu triển khai chiến dịch Rafah. Sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với Israel trong cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza đã tạo ra thách thức chính trị lớn cho chính quyền Washington, dẫn đến các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở các đại học Mỹ.
Bên cạnh đó, ngày 1-5, phát biểu tại trung tâm Bogota, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã chỉ trích Israel gây ra những cái chết “không toàn thây vì bom đạn” của những “cô gái, chàng trai và trẻ em”. Ông khẳng định sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, một động thái phản đối hành động của Israel trong cuộc chiến với Hamas ở Dải Gaza.