Thể thao

Thể thao cộng đồng

Sau kỳ tích Thường Châu, 7 người hùng U23 Việt Nam lần lượt chấn thương dây chằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Gần hai năm sau kỳ tích Thường Châu, có tới 7 cầu thủ U23 Việt Nam trải qua những chấn thương dây chằng từ nhẹ đến nặng.

 

Lương Xuân Trường vừa chia tay đội tuyển Việt Nam và chắc chắn phải nghỉ thi đấu từ 5-6 tháng. Tiền vệ Hoàng Anh Gia Lai bị đứt bán phần dây chằng chéo trước đầu gối phải, cần được phẫu thuật để tái tạo.

Có lẽ không ai hiểu cảm giác của Xuân Trường lúc này và vài tháng tới bằng chính những đồng đội từng cùng anh làm nên kỳ tích á quân U23 châu Á. Gần hai năm sau trận chung kết ở Thường Châu, có tới bảy cầu thủ của U23 Việt Nam lứa đó gặp chấn thương dây chằng với mức độ khác nhau.

Vũ Văn Thanh là cái tên bị vận đen ghé thăm đầu tiên. Anh gặp chấn thương trong màu áo câu lạc bộ, ngay trước ngày tập trung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2018. Đội ngũ y tế của HAGL chẩn đoán sai tình hình ban đầu, sau đó Văn Thanh được đưa sang Hàn Quốc phẫu thuật và hồi phục.


 

 Văn Thanh trở lại đội tuyển Việt Nam ở trận gặp Thái Lan.
Văn Thanh trở lại đội tuyển Việt Nam ở trận gặp Thái Lan.



Anh mới trở lại sân cỏ V-League từ tháng 4/2019 và ra sân 15 trận (đá chính 10 trận) cho đội bóng phố núi. HLV Park Hang Seo gọi Văn Thanh trong ba lần tập trung đội tuyển Việt Nam và được tung vào sân từ ghế dự bị ở trận hòa Thái Lan (vòng loại World Cup 2022).

Sau Văn Thanh, đến lượt Nguyễn Văn Toàn bị đau do va chạm với đồng đội trong buổi tập của đội tuyển Việt Nam trước trận gặp Campuchia ở vòng bảng AFF Cup. Tuy nhiên tiền đạo này may mắn hơn đồng đội ở HAGL khi anh chỉ bị giãn dây chằng chéo cấp độ một. Văn Toàn kịp bình phục để tham dự Asian Cup và ra sân tới 4 trận.

Bộ đôi của Sông Lam Nghệ An là Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức cùng gặp chấn thương trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải V-League 2019. Xuân Mạnh bình phục sớm hơn, thi đấu 13 trận ở V-League 2019 và được gọi lên đội tuyển Việt Nam lần này.

Trong khi đó, Phan Văn Đức dành phần lớn thời gian của mùa giải 2019 để điều trị ở Trung tâm bóng đá PVF. Anh vừa phẫu thuật hồi đầu tháng 7 ở Singapore và đang tập hồi phục cùng đội tuyển Việt Nam.


 

Phan Văn Đức đang tập hồi phục ở đội tuyển Việt Nam.
Phan Văn Đức đang tập hồi phục ở đội tuyển Việt Nam.



Trần Đình Trọng nhận cú sốc vào đầu tháng 6, trong trận gặp Thanh Hóa ở V-League. Không va chạm với cầu thủ nào nhưng hậu vệ của Hà Nội FC bị đứt bán phần dây chằng chéo trước và dập dây chằng bên mác, cũng phẫu thuật ở Singapore, tập hồi phục cùng Phan Văn Đức ở PVF và đội tuyển quốc gia.

Cái tên còn lại là Nguyễn Trọng Đại, người vừa dính chấn thương dây chằng tháng trước khi cùng U22 Việt Nam đấu giao hữu với U22 Trung Quốc. Anh bị tổn thương dây chằng ngoài sau pha tranh chấp với cầu thủ đối phương. Trường hợp này không nặng như Xuân Trường, tuy nhiên Trọng Đại đã có tiền sử chấn thương từ giai đoạn U19.

Bảy cầu thủ U23 Việt Nam 2018 lần lượt chấn thương dây chằng nhưng cú sốc xảy ra với họ theo những cách rất khác nhau, cho thấy rằng việc tìm ra công thức chung để phòng tránh hoàn toàn là rất khó.

"Đây là tai nạn thường gặp trong bóng đá, không thể nào tránh được. Không thể biết được nguyên nhân xảy ra chấn thương, trên thế giới cũng thế, không có cách gì phòng tránh được", bác sĩ Trần Anh Tuấn của đội tuyển Việt Nam chia sẻ.

Có người bị đau khi tập luyện, người khác lại gặp khi thi đấu. Có trường hợp do va chạm nhưng cũng có cầu thủ chỉ vì một động tác sai hoặc một khoảnh khắc đôi chân yếu sức hơn bình thường mà chấn thương nặng, phải nghỉ vài tháng đến cả năm.

Hai năm thành công của bóng đá Việt Nam cũng chính là khoảng thời gian bận rộn đối với những tuyển thủ phải cày ải cho cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia, U23. Đó là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên tình trạng thi đấu quá tải cũng không phải nguyên nhân chính dẫn đến những chấn thương dây chằng, bởi những cầu thủ thi đấu nhiều cỡ Quang Hải, Duy Mạnh cho đến lúc này vẫn may mắn chưa nối gót các đồng đội kể trên.

Tiểu Cường (VTC News)

Có thể bạn quan tâm