TN - Đất & Người

Sầu riêng rớt giá mạnh, nhà vườn như 'ngồi trên lửa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, trái sầu riêng ở các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng đang vào vụ chính. Tuy nhiên, giá sầu riêng đang giảm chỉ còn chưa tới 1/2 giá so với thời điểm bắt đầu vào mùa.
 
Sầu riêng Lâm Đồng rớt giá. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo các nhà vườn trên địa bàn, nguyên nhân sầu riêng rớt giá được cho là do thương lái ngừng mua, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ với số lượng không đáng kể.
Sầu riêng của Lâm Đồng chủ yếu được trồng tại các huyện phía Nam, nơi có khí hậu nóng ẩm như: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; trong đó, Đạ Huoai có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, khoảng 2.500 ha sầu riêng các loại. Loại sản phẩm này đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền Sầu riêng Đạ Huoai. Tuy nhiên, đã nửa tháng nay, các nhà vườn Lâm Đồng như đang ngồi trên lửa vì giá sầu riêng đang xuống thấp, chỉ còn bằng nửa giá so với đầu mùa.
Cụ thể, giá sầu riêng giống ghép Ri6 loại 1 thương lái mua vào chưa tới 30.000 đồng/kg, đầu mùa 60.000 - 70.000 đồng/kg; sầu riêng giống ghép Thái Lan, Mongthong, Đô Na... ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg, so với mọi năm chính vụ giá cao khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá hạt sầu riêng vẫn ở giá cao thương lái thu mua hơn 50.000 đồng/kg…
Anh Nguyễn Phạm Khánh Thông canh tác hơn 5 ha sầu riêng giống ghép Ri6 và Thái Lan tại địa bàn xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai cho biết, hiện tại giá sầu riêng tại vườn đang giảm rất thấp, chỉ ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tính ra là hòa vốn chứ không có lãi, vì kinh phí, công chăm sóc rất cao, nếu trường hợp không bán được cho thương lái thì thua lỗ nặng.
Ông Phan Bá Tý, 54 tuổi, trồng hơn 2 ha sầu riêng ở xã Hà Lâm cho biết, mọi năm vào thời điểm này, thương lái thu mua sầu riêng rất tấp nập, tranh giành nhau từng nhà vườn để lấy hàng. Xe container đậu xếp hàng dài dọc Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn xã chờ nhập sầu riêng đóng thùng và xuất đi. Nhưng năm nay, đợt đầu mùa khoảng hơn 1 tháng trước có thấy ít xe đậu ở đây để thu mua, bây giờ thì không thấy xuất hiện nữa.
Để tránh thua lỗ, vớt vát vốn liếng và công chăm sóc, nhiều nhà vườn đã mang sầu riêng ra đường dọc Quốc lộ 20 để bán cho khách đi đường, gửi xe khách bán lẻ, giá rẻ cho các tiểu thương ở chợ Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, hoặc bán online trên các trang mạng xã hội.
Chị Hà Thị Vi, chủ vựa trái cây Tuấn Vi ở xã Hà Lâm cho biết: “Hiện nay, giá sầu riêng rẻ quá nên mua vào rất khó bán ra, riêng giống ghép Thái Lan thỉnh thoảng còn xuất đi được chứ giống Ri6 hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Trước kia, mỗi ngày vựa xuất ra thị trường hơn 40 - 50 tấn quả, bây giờ thì cố lắm cũng chỉ tới 10 tấn/ngày, nhưng rất khó khăn. Thị trường chủ yếu xuất đi Campuchia và trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.
Ông Đặng Hùng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, thương hiệu Sầu riêng Đạ Huoai đã được công nhận nhãn hiệu đăng ký độc quyền, nên đã ban hành tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, người dân mới đăng ký khoảng 800.000 tem, hiện nay toàn huyện mới có 88 hộ và hơn 300 ha đăng ký sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để đủ tiêu chuẩn xuất ra các thị trường khác. Nhưng hầu hết tâm lý người dân chưa ủng hộ nhiều vì họ cho rằng bán ra ngoài cho thương lái giá cao hơn, nên ồ ạt thi nhau cắt bán sầu riêng lúc giá cao mặc dù quả chưa đủ tuổi già nên giờ chịu cảnh bấp bênh là không tránh khỏi.
Ông Dương Văn Nha, 60 tuổi là sáng lập viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phúc Thịnh ở tổ 4, xã Hà Lâm cho biết, hiện gia đình ông đã canh tác 5 ha sầu riêng; trong đó, có 3 ha trồng từ năm 2002 đang cho thu hoạch mỗi vụ trên 20 tấn quả. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của nhà trồng được, gia đình ông còn thu mua của bà con trong khu vực, xuất cho các bạn hàng trong nước và nước ngoài.
Chu Quốc Hùng  (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm