Nghề làm hương hiện diện khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, mỗi làng nghề mang nét đẹp độc đáo, khác biệt và đều là những điểm đến thu hút rất nhiều du khách và nhiếp ảnh gia.
Nén hương không biết tự bao giờ đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt như một nét văn hóa truyền thống. Người ta tin rằng khi đốt lên, khói hương sẽ là sợi dây huyền ảo nối kết giữa 2 thế giới hữu hình và vô hình, giữa cuộc sống thực tại và tâm linh. Các làng làm nhang cổ truyền vẫn miệt mài tiếp tục công việc thiêng liêng của mình, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hoá ấy.
Hà Nội: Làng Quảng Phú Cầu ở ngoại ô Hà Nội là một trong những nơi làm hương nổi tiếng, lâu đời với "tuổi nghề" hơn một thế kỷ. Không hoàn toàn tạo nên thành phẩm, làng nghề ở đây chuyên làm tăm hương. Sau đó, tăm hương sẽ được chuyển đến những nơi khác để làm nên que nhang hoàn chỉnh.
Giữa nhịp sống hiện đại, mặc dòng chảy thời gian, Thủ đô vẫn tồn tại một góc riêng rất bình lặng, êm đềm, truyền thống. Tới đây, bạn sẽ thấy màu đỏ cánh sen của những tăm hương được gói thành từng bó bao phủ khắp ngôi làng. Nhìn từ trên cao, những khoảng sân phơi tăm hương tựa như vườn hoa đỏ rực dưới nắng tuyệt đẹp.
Huế: Mảnh đất cố đô mộng mơ cũng được biết đến là một trong những nơi có truyền thống làm nhang lâu đời. Thủy Xuân là vùng ngoại ô điển hình về nghề làm hương ở xứ Huế. Nếu như làng làm hương ở Hà Nội nổi bật với sắc đỏ sẫm tràn ngập mặt sân thì đến với Huế, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thế giới rực rỡ với những sắc màu khác nhau như đỏ tươi, gạch, xanh lá chuối, xanh đậm, vàng, tím… rất bắt mắt.
Để cho ra được những thành phẩm ưng ý, mang hương vị đặc trưng xứ Huế, nén hương phải trải qua nhiều công đoạn vất vả và cả sự kỳ công của người thợ. Nguyên liệu làm nhang không hề đơn giản mà phức tạp với ngũ vị thuốc Bắc như quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, kèm thêm vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để tạo ra mùi thơm khác nhau.
Tây Ninh: Tây Ninh được ví như mảnh đất của những làng nghề cổ truyền. Trong đó, ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc là nơi nổi tiếng với làng nghề làm nhang. Cây nhang thành phẩm không có màu vàng ươm như thường thấy, thay vào đó là màu vàng, nâu của lá và hoa khô. Khác với Huế, nhang Tây Ninh đượm màu vàng hoặc nâu đơn giản. Không cuộn tròn từng bó, người ở đây phơi nắng que nhang trên những kệ dài.
Nguyên liệu chính để làm nhang là lá gòn. Lá gòn sau khi mua về, được phơi khô rồi mang đi xay thành bột. Bột lá gòn đem trộn với nước và một lượng bột cho mùi hương như quế, trầm… sẽ ra hỗn hợp bột nhang. Mùi hương của nhang không nồng không đậm, ngược lại rất nhẹ nhàng, ẩn sâu.
Theo Nguyễn Tuấn-Vân Anh/Zing