Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện sẽ bổ sung các quy định về cá nhân làm từ thiện. Đây là điểm mới sẽ khắc phục khoảng trống pháp lý, tránh dẫn tới những ồn ào dư luận trong thời gian qua. Đó cũng là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động này có hiệu quả hơn.
Đoàn khảo sát “CLB Tình người” rầm rộ tổ chức phỏng vấn các hộ nghèo để xét hỗ trợ làm nhà trên địa bàn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang). Nguồn: L.B |
Bổ sung quy định cá nhân làm từ thiện
Sau hàng loạt những ồn ào quanh hoạt động từ thiện, Bộ Tài chính mới đây cho biết, đã có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành một nghị mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính, sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Trong đó, quy định về cá nhân vận động từ thiện, Bộ Tài chính đang đưa ra 2 phương án để quản lý vấn đề này. Phương án thứ nhất là quy định theo hướng, khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật).
Cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Phương án thứ hai là chỉ quy định một điều cụ thể: Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hướng tới một khung pháp lý toàn diện
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, Nghị định 64/2008 đã ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm. Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận đông, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành, đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động từ thiện” - ông Nguyễn Ngọc Lâm phân tích.
Đồng thời, theo ông Lâm, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ cần có thay đổi trong tình hình mới theo hướng từ thiện phát triển “cho cần câu để câu cá” nhằm tạo nên sức mạnh cho cộng đồng chứ không ỷ lại vào việc được viện trợ.
Còn theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ với 6 cấp tổ chức, từ Trung ương tới tận thôn xóm từng đặt vấn đề phối hợp với ca sĩ Thủy Tiên trong hoạt động cứu trợ nhưng cô đã từ chối, dẫn đến nhiều thị phi đáng tiếc sau này.
Ông Hùng nhận định, đây là trường hợp điển hình của việc giỏi vận động nhưng chưa chuyên nghiệp trong tổ chức điều phối.
“Từ thiện rất dễ gây tâm lý tổ chức tràn lan, không mang lại hiệu quả. Công tác từ thiện cũng cần một quy trình chuẩn, chuyên nghiệp, tránh lãng phí các nguồn lực. Về lâu dài thì khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện, khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả là rất cần thiết” - ông Trần Quốc Hùng bày tỏ ý kiến.
Và từ thực tế, đại diện Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho rằng, cần sớm áp dụng quy trình 5 bước trong hoạt động này bao gồm tổ chức vận động, tiếp nhận, triển khai, kiểm tra giám sát, tôn vinh khen thưởng.
Một số ý kiến cũng cho biết, quan điểm, nghị định mới thay thế Nghị định 64 năm 2008 ra đời lúc này là hết sức cần thiết. Thậm chí, về lâu dài, cần có một đạo luật bao quát cả hoạt động từ thiện, cứu trợ, thiện nguyện để hình thành khung pháp lý toàn diện. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia vận động và chú ý thường xuyên tới nhóm yếu thế, phát triển cộng đồng một cách bền vững.
https://laodong.vn/xa-hoi/se-bo-sung-quy-dinh-de-quan-ly-ca-nhan-van-dong-tu-thien-956034.ldo
Theo ĐÌNH TRƯỜNG (LĐO)