Xã hội

Sẻ chia nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày hàng triệu lít chất độc hóa học được đế quốc Mỹ rải xuống miền Nam nước ta, thế nhưng, hậu quả mà nó để lại cho môi trường và người dân Việt Nam vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ.

Để góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đồng hành, sẻ chia với các nạn nhân và gia đình, giúp họ vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

1. Bà Nguyễn Thị Nụ (làng Kte, xã HBông, huyện Chư Sê) có 2 người con là Đinh Thị Nở và Đinh Thị Vui đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chồng bà là Đinh Văn Vinh tham gia bộ đội ở chiến trường phía Nam. Kết thúc chiến tranh, ông may mắn được trở về nhà trong niềm vui khải hoàn, song không hề biết cơ thể mình đang mang theo thứ hóa chất độc hại do đế quốc Mỹ rải xuống. Để rồi dù sống trong hòa bình, chồng bà vẫn đeo đẳng nỗi đau không gì bù đắp được, đó là nỗi đau da cam.

Hai vợ chồng bà Nụ nên duyên chồng vợ vào năm 1980, rồi lần lượt sinh được 3 người con thì 2 cô con gái đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Còn duy nhất người con trai út là chỗ dựa tinh thần cho vợ chồng bà, song cậu bé cũng không được nhanh nhẹn như bạn bè cùng trang lứa. Cách đây 10 năm, chồng bà Nụ đã qua đời, để lại những đứa con đều cần mẹ chăm sóc.

"Nhìn 2 con gái hơn 30 tuổi vẫn cứ ngô nghê như đứa trẻ, lòng tôi lại quặn thắt. Hàng ngày, tôi rửa bát thuê ở quán phở được 100.000 đồng để nuôi các con. Tôi còn sống ngày nào thì gắng gượng ngày ấy. Nhưng tuổi tôi ngày một nhiều, lỡ có mệnh hệ gì thì các con của tôi không biết sẽ ra sao”-bà Nụ ngậm ngùi.

Bà Lê Thị Hường trao số tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho cháu Đinh Thị Nở. Ảnh: Đ.Y

Bà Lê Thị Hường trao số tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho cháu Đinh Thị Nở. Ảnh: Đ.Y

Thế rồi, bà Nụ như trút được nỗi lo âu khi mới đây, 2 người con của bà vừa được 2 Mạnh Thường Quân là bà Trần Thị Thu Hiền và Lê Thị Hường (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) nhận hỗ trợ nuôi dưỡng với số tiền 5 triệu đồng/năm/người.

“Tôi cũng là một quân nhân nên thấu hiểu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu. Do đó, qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, tôi và bà Hiền ngoài trích 1 phần tiền lương hưu còn vận động gia đình, bạn bè ủng hộ thêm để nhận nuôi 2 cháu”- bà Hường chia sẻ.

Đại diện Hội Hoa Ngày Mai (Việt kiều tại Thụy Sĩ) hỗ trợ 65 triệu đồng để xây nhà nhân ái cho cháu Rơ Lan Nhâm là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Xuân Thủy

Đại diện Hội Hoa Ngày Mai (Việt kiều tại Thụy Sĩ) hỗ trợ 65 triệu đồng để xây nhà nhân ái cho cháu Rơ Lan Nhâm là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Xuân Thủy

2. Là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, mới đây, em Rơ Lan Nhâm (làng Bluk Ngol, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) được gia đình ông Võ Văn Châu, bà Nguyễn Thị Bích Loan (Việt kiều Pháp) và Hội Hoa Ngày Mai (Việt kiều Thụy Sĩ) hỗ trợ 65 triệu đồng để xây nhà nhân ái.

Chị Rơ Lan Nhuy (mẹ Nhâm) cho hay: Vợ chồng chị có 2 người con, trong đó, Nhâm bị di chứng da cam từ đời bố tôi. Bố chị bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian tham gia quân ngũ ở chiến trường Tây Nguyên. Tuy chị không bị nhiễm chất độc da cam nhưng đến đời con chị lại bị di chứng. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê kiếm sống qua ngày. Con cái bệnh tật nên việc xây dựng một căn nhà kiên cố để ở chị chưa bao giờ dám nghĩ tới.

"Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê kết nối với các Mạnh Thường Quân mà gia đình tôi mới xây được căn nhà khang trang để ở. Ngày về nhà mới, các Mạnh Thường Quân còn về chung vui, tặng thêm các vật dụng sinh hoạt, gia đình tôi hạnh phúc lắm!”-chị Nhuy xúc động nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến (bìa trái; làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) được tặng bò giống sinh sản. Ảnh: Xuân Thủy

Ông Nguyễn Văn Tiến (bìa trái; làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) được tặng bò giống sinh sản. Ảnh: Xuân Thủy

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến (làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) cũng là một trong những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhằm giúp ông Tiến vượt lên số phận, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Chư Pơng phối hợp với Huyện Hội Chư Sê đã vận động các tổ chức, cá nhân tặng bò giống, tạo điều kiện để ông Tiến phát triển kinh tế gia đình. “Được tặng một con bò sinh sản, tôi mừng lắm. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc tốt để làm kế sinh nhai, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”-ông Tiến nêu quyết tâm.

Ông Đặng Xuân Tâm-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) cho biết: Từ năm 2023 đến đến nay, Hội đã vận động các nhà hảo tâm nuôi dưỡng 3 cháu là nạn nhân chất độc da cam, mỗi tháng 400.000 đồng/cháu. Ngoài ra, Hội tặng 1 con bò sinh sản cho nạn nhân; 80 suất quà cho các nạn nhân da cam...

Ông Hoàng Trung Sáu (thứ 2 từ trái sang)-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cùng cán bộ Hội và người thân trao quà cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ảnh: Đ.Y

Ông Hoàng Trung Sáu (thứ 2 từ trái sang)-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cùng cán bộ Hội và người thân trao quà cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ảnh: Đ.Y

3. Mấy chục năm qua, ông Hoàng Trung Sáu-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ia Bă (huyện Ia Grai) thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

Khi được hỏi, ông Sáu không nhớ chính xác đã vận động được bao nhiêu suất quà, chỉ biết năm nào đến ngày 10-8, ông đều cùng cán bộ Hội, người thân, bạn bè, nhân dân trong xã quyên góp tiền và vận động các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, hỗ trợ cho 15 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn xã.

Năm nay, để có 15 suất quà tặng cho các nạn nhân chất độc da cam, ông Sáu đã trích số tiền trợ cấp thương binh của mình, đồng thời vận động các con, anh em, bạn bè cùng hỗ trợ. "Tuy suất quà có giá trị không lớn, không làm thay đổi cuộc sống của họ nhưng tôi luôn hy vọng có thể mang đến cho họ một tinh thần lạc quan và tiếp thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”-ông Sáu nói.

Là người thường xuyên đóng góp, sẻ chia với các nạn nhân, bà Nguyễn Thị Hằng (thôn Út 2, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho hay: "Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, bình quân mỗi năm, tôi đóng góp khoảng 6 triệu đồng để hỗ trợ cho các nạn nhân da cam vào mỗi dịp lễ, Tết. Dù chỉ thu nhập hàng ngày từ quán tạp hóa nhỏ của gia đình nhưng tôi luôn muốn được giúp đỡ những mảnh đời yếu thế, nhất là các nạn nhân chất độc da cam để họ có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống".

Ông Nguyễn Dũng (bìa phải) đại diện Tạp chí Tinh hoa Đất Việt, văn phòng phía Nam) trao bảng tượng trưng tặng 20 triệu đồng cho các nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo huyện Chư Sê. Ảnh: Đ.Y.
Ông Nguyễn Dũng (bìa phải) đại diện Tạp chí Tinh hoa Đất Việt, văn phòng phía Nam) trao bảng tượng trưng tặng 20 triệu đồng cho các nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo huyện Chư Sê. Ảnh: Đ.Y.

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), sáng 9-8, cá nhân ông Nguyễn Dũng-đại diện Tạp chí Tinh hoa Đất Việt, văn phòng phía Nam đã trao bảng tượng trưng tặng 20 triệu đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê để trao lại cho các nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo của huyện vào tháng 9 tới. Ông Dũng cho hay: "Hoàn cảnh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất khó khăn. Vì thế, tôi vừa là đại diện, vừa là cầu nối cùng Ban Biên tập Tạp chí kêu gọi hỗ trợ, sẻ chia với các nạn nhân. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động này nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam".

Ông Bùi Thanh Hoàng (thứ 4 từ phải sang)-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Păh nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8). Ảnh: Đ.Y

Ông Bùi Thanh Hoàng (thứ 4 từ phải sang)-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Păh nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8). Ảnh: Đ.Y

Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bùi Thanh Hoàng cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học, công tác giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10-8), Hội đều tham mưu cho tỉnh và phối hợp các ngành liên quan thực hiện công tác rà soát, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam. Cùng với đó, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đã tăng cường vận động, kêu gọi các Mạnh Thường Quân tặng quà, hỗ trợ sinh kế, nhà ở; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề miễn phí, giới thiệu việc làm phù hợp cho con, cháu của nạn nhân chất độc da cam…; qua đó, giúp các nạn nhân chất độc da cam có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm