Điểm đến Gia Lai

Sẻ chia với học sinh vùng khó huyện Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã đến giờ tan học nhưng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Krong (huyện Kbang) vẫn nán lại trường để cùng chung vui với 5 bạn học sắp được các cô chú đến trao tặng xe đạp. Các học sinh này đều có hoàn cảnh khó khăn và do các lớp bình chọn để nhận quà lần này.
Trường PTDTBT THCS Krong nằm lọt thỏm giữa núi đồi trùng điệp. Trường nằm cách trung tâm huyện Kbang 40 km, đường giao thông nhiều đồi dốc, khúc ngoặt rất khó đi. Năm học 2019-2020, toàn trường có 21 cán bộ, giáo viên; có 6 lớp với tổng số 265 học sinh, trong đó có 156 học sinh bán trú. Điều kiện kinh tế của người dân nơi đây đa phần còn khó khăn, tập quán lạc hậu, nhận thức về việc học của con em còn hạn chế. Ngoài giờ học, nhiều em phải lao động phụ giúp cha mẹ, nhất là vào mùa vụ. Vì vậy, tình trạng học sinh đi học không chuyên cần và bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra.
 Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh trao tặng xe đạp cho các em học sinh Trường PTDTBT THCS Krong. Ảnh: N.N
Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh trao tặng xe đạp cho các em học sinh Trường PTDTBT THCS Krong. Ảnh: N.N
Cảm thông với học sinh vùng sâu còn nhiều khó khăn, vất vả, các thầy-cô giáo nơi đây có nhiều sáng kiến hay để giúp học trò mình, tạo động lực để các em đến lớp mỗi ngày. Một trong các giải pháp là vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khi thì tấm áo, lúc thì dụng cụ học tập… Lần này, ngoài 5 chiếc xe đạp, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh còn trao tặng nhiều sách vở và quần áo cho học sinh nhà trường.         
Được tặng chiếc xe đạp mới, em Na (học sinh lớp 6B, làng Hro) xúc động cho biết: Nhà có 2 anh em nhưng hoàn cảnh khó khăn, chưa kể nhà cách trường gần chục cây số nên anh trai em đã nghỉ học. “Được tặng xe đạp lần này, em vui lắm. Em sẽ chuyên cần đến lớp và cố gắng học tập thật tốt để sau này làm cô giáo”-Na nói. Hoàn cảnh không kém là em Đinh Văn Dũng (lớp 7A, làng Vir). Dũng mồ côi cha mẹ, hiện sống với bà ngoại đã già yếu. Vì vậy, các bạn học cùng lớp đã nhất trí bầu chọn Dũng là người được nhận xe đạp lần này. Dũng cho hay: “Từ lâu rồi, em luôn ao ước có một chiếc xe đạp. Nay ước mơ ấy đã thành hiện thực. Năm học vừa qua, em là học sinh tiên tiến. Năm học này, em sẽ cố gắng để có thành tích tốt hơn”.
Thầy Nguyễn Việt Quốc-Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Krong-thông tin: Nhằm hỗ trợ các em học sinh, nhà trường thường xuyên kết nối, kêu gọi các nhóm thiện nguyện, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ; qua đó, trường đã được hỗ trợ 1 giếng nước giúp cải thiện nguồn nước sinh hoạt, ăn uống cho giáo viên và học sinh; 1 ti vi Samsung 55 inch cho học sinh bán trú; 250 áo đồng phục cho học sinh; 250 cặp sách, ba lô; làm thư viện ngoài trời... Ngoài ra, nhà trường còn kêu gọi các nhóm thiện nguyện ủng hộ quần áo cho các em trong mùa đông; các dụng cụ học tập cần thiết như sách, bút, vở... Các thầy-cô giáo còn thường xuyên tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh bán trú. Chính từ sự quan tâm trên, các em đã có thêm điều kiện học tập, chuyên cần đến lớp.
Theo thầy Nguyễn Việt Quốc, ngoài nâng cao chất lượng dạy và học, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhà trường đặt ra trong năm học này là phấn đấu duy trì sĩ số học sinh đạt trên 94%. Sở dĩ công tác duy trì sĩ số chưa đạt 100% là do nhiều nguyên nhân khách quan; trong đó có việc định canh định cư của bố mẹ học sinh chưa ổn định, nhiều học sinh là nguồn lao động chính của gia đình khi đến mùa thu hoạch nông sản. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình... gây không ít khó khăn trong công tác đảm bảo sĩ số. Vì vậy, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp trong công tác vận động, tuyên truyền. Thuận lợi là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ nhà trường vận động học sinh đến lớp.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc duy trì sĩ số, thầy giáo Nguyễn Quốc Triều cho biết thêm: “Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm tình hình sĩ số của lớp, khi thấy có trường hợp học sinh nghỉ học thì ngay lập tức đến nhà vận động các em. Chúng tôi thường đi vào lúc 21 giờ hoặc vào lúc sáng tinh mơ mới có học sinh ở nhà, chứ trong ngày các em đều theo bố mẹ đi rẫy. Nhiều nhà xa, có đoạn không đi xe máy được, giáo viên phải đi bộ. Tuy vất vả nhưng để học sinh không bỏ học, nghỉ học giữa chừng thì vất vả mấy chúng tôi cũng cố gắng vượt qua”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm