Văn hóa

Cổ học tinh hoa

"Sẹo tang" của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nếu người Jrai coi cái chết nhẹ nhàng như một cuộc trở về với thế giới Atâu ở cõi Mang Lung (thế giới người chết), một sự thể đương nhiên phải chấp nhận; ngược lại, người Bahnar vô cùng đau đớn trước cái chết của người thân, đến mức nhiều khi họ phải tự làm tổn thương cơ thể mình để lại những vết sẹo gọi là “sẹo tang”.
Người Bahnar rất dũng cảm trước mãnh thú, giặc dã, thiên tai... Đó là một dân tộc kiên cường, bất khuất. Họ luôn có một niềm tin và tinh thần chiến đấu mãnh liệt, không dễ gì bị khuất phục. Tuy vậy, trước nỗi đau mất người thân thì người Bahnar lại như bị dồn nén, đau đớn đến quẫn bức.
Trong các đám tang, nhiều người ruột thịt vì quá yêu thương, đớn đau bởi phải vĩnh viễn chia xa người xấu số; để vơi đi nỗi đau ấy, họ phải tự hành xác một cách nguy hiểm. Đã từng có người dùng những mũi dao nhọn tự vạch vào thịt da mình. Có người dùng vật nhọn đâm vào cơ bắp cho chảy máu. Lại có người dùng những cây củi đang cháy đỏ dí vào ngực, vào vai mình. Thanh củi đỏ rực ấy đã đốt cháy thịt da người cho xèo lên bốc khói, bỏng rộp. Ngỡ như là ý chí của thần linh!
Sau những cuộc hành xác ấy, nỗi đau ít nhiều được vơi đi, người chịu tang có vẻ thanh thản hơn, dễ trở lại cuộc sống bình thường hơn. Tuy nhiên, những vết sẹo trên thân thể thì cứ đi mãi suốt đời với họ, gọi là “sẹo tang”. Nhìn những vết sẹo trên thân thể một con người, ai cũng hiểu đó là vết tích của những nỗi đau mất mát thân nhân. Người càng có nhiều vết sẹo, càng thể hiện có nhiều tang tóc, đồng thời cũng nói lên đó là người có tình cảm sâu đậm với người thân. Hơn thế, đó là người Bahnar dũng cảm, không nề nguy hiểm đớn đau!
Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cũng vì thế, đã thành lệ, trong những đám tang của người Bahnar, người tinh ý thường lặng lẽ giấu hết các loại dao rựa, vật nhọn như một cách tạo nên sự an toàn cho người thân trong cơn đau đớn. Không có vật sắc nhọn để cắt vào thể xác, người đang đớn đau sẽ tìm đến than lửa. Đó có lẽ là một lựa chọn an toàn hơn.
Xét về mặt khoa học, một nỗi đau này có thể ức chế hóa giải một nỗi đau khác. Nỗi đau hừng hực bên ngoài có thể làm vơi bớt nỗi đau âm ỉ bên trong. Người Bahnar đã dùng nỗi đau thể xác để làm vơi bớt nỗi đau tâm linh ngay trong bản thân họ.
Sẹo tang, tình người một thời sâu đậm, chất chứa trong những con người Bahnar rắn rỏi dũng mãnh mà chân chất yêu thương. Đấy cũng là một cách để tang độc đáo của những con người nơi núi rừng Tây Nguyên xưa!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm