Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Sĩ quan Việt Nam "thi đỗ" vào cơ quan hoạch định chính sách của Liên Hiệp Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

3 sĩ quan Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của LHQ để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của LHQ, tại New York (Mỹ) và Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội CH Trung Phi.

Chiều 7-1, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (GGHB LHQ) giai đoạn 2012-2020 do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ - chủ trì.

Báo cáo kết quả về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2012-2020, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, cho biết từ tháng 6-2014 đến tháng 12-2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở LHQ. Trong đó, 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2).

 

 Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, thăm Cục GGHB Việt Nam
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, thăm Cục GGHB Việt Nam



Năm 2020, 3 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của LHQ để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của LHQ, tại New York, Mỹ và Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai BVDC2 được Chỉ huy Phái bộ và LHQ đánh giá cao. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ tại New York gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế. Hiện nay, BVDC2.2 cũng đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra.

Hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai trong năm 2021.

Tháng 6-2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác 3 bên. Trong ba năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam đã chủ trì 3 khóa huấn luyện cho nhiều sĩ quan quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng.

Theo Cục GGHB, thời gian tới, ngoài việc duy trì BVDC2 tại Phái bộ Nam Sudan và các vị trí cá nhân như hiện nay, cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội triển khai Đội Công binh; nghiên cứu khả năng mở rộng các hình thức khác như Quân cảnh, Bộ binh bảo vệ, Đội trực thăng vận tải…; mở rộng các vị trí cá nhân tại các phái bộ; tiếp tục cử sĩ quan đã qua Phái bộ ứng thi vào các vị trí Chỉ huy tại các Phái bộ và vào các cơ quan của LHQ. Phấn đấu xây dựng Cục GGHB Việt Nam thành Trung tâm nâng cao năng lực GGHB khu vực và trên thế giới, thực hiện chức năng điều phối quốc gia về GGHB LHQ.

Cũng tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan trong Bộ Quốc phòng phát biểu tham luận về các mặt công tác trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam: Hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở pháp lý; xây dựng lực lượng; huấn luyện, triển khai lực lượng, trang thiết bị; công tác quản lý, chỉ huy điều hành lực lượng tại địa bàn; công tác tuyên truyền về tham gia hoạt động GGHB LHQ và chế độ, chính sách…


Với nguồn tiền bồi hoàn của LHQ (gần 5,5 triệu USD) và sự hỗ trợ của quốc tế (hơn 20 triệu USD) đã góp phần giảm đáng kể ngân sách Nhà nước đầu tưcho việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam.

Thời gian tới, Cục GGHB Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GGHB LHQ để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.


Theo D.Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm