Kinh tế

Siết chặt nguồn vốn ưu đãi: Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2012 cũng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình hoạt động các tập đoàn nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nên khó khăn chưa thể buông tha các doanh nghiệp (DN) nói chung, DN tỉnh ta nói riêng. Là chủ trương thắt chặt tài chính tiền tệ, áp dụng lãi suất cao nhằm chống lạm phát còn khiến nhiều doanh nghiệp trở nên vất vả. 
Theo báo cáo, năm 2011, toàn quốc có khoảng 50 ngàn doanh nghiệp bị phá sản. Mỗi năm các DN đóng góp đến 60% cho tăng trưởng GDP nhưng từ nhiều năm qua nguồn vốn hoạt động, đặc biệt là vốn ưu đãi (cần nhất trong lúc DN gặp khó khăn) thì họ rất khó tiếp cận. Đối với Ngân hàng Phát triển, lãi suất ưu đãi tín dụng đầu tư và xuất khẩu trước chỉ trên 11%/năm thì kể từ ngày 15-2 đã điều chỉnh theo hướng tăng lên với 14,5%/năm. Điều này phản ánh trong khi nguồn vốn hạn hẹp thì lãi suất cũng đã tăng lên.
Ảnh: Đức Thụy
Ngoài tín dụng ưu đãi, theo quy định, DN còn được hỗ trợ từ 12 loại quỹ khác nhau. Nhưng trên thực tế, vốn của các quỹ này DN không dễ gì “với” tới. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải đánh giá lại hoạt động của các quỹ này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia. Một chủ DN có chức năng xuất khẩu phát biểu: Chính sách cung ứng vốn để DN đẩy nhanh xuất khẩu vẫn chưa có gì, tất cả vẫn là tín dụng thắt chặt. Trong năm 2012, theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP, có 5 nhóm hàng trong danh mục các mặt hàng được vay vốn tín dụng và xuất khẩu nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Phượng-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Gia Lai, tín dụng đối với 2 lĩnh vực này của hệ thống vẫn là nhỏ giọt và chủ yếu là cho vay đối với các dự án chuyển tiếp. Năm 2011 về tín dụng đầu tư, Chi nhánh không cho vay mới mà chỉ cho vay đối với các dự án chuyển tiếp (240 tỷ đồng). Và trong năm 2012 này, kế hoạch Ngân hàng Phát triển Việt Nam giao cho Chi nhánh là từng dự án chứ không phải từng quý hay 6 tháng. Nếu có dự án mới thì Chi nhánh có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định sơ bộ sau đó báo cáo cho Ngân hàng Trung ương và nếu được cho phép thì mới thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo. Còn với tín dụng xuất khẩu, kế hoạch quý I-2012 của Chi nhánh là dư nợ 90 tỷ đồng, hiện đạt trên 80 tỷ đồng (chủ yếu cho vay xuất khẩu cà phê và đã có 3 doanh nghiệp tư nhân đang liên hệ với Chi nhánh để đàm phán thực hiện). Khó khăn của tín dụng xuất khẩu là ít có đối tượng vay, vì cà phê, mì… những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đang xuống giá. 
Ngoài các nguyên nhân để đảm bảo tăng trưởng GDP hợp lý, kiềm chế lạm phát… việc các tổ chức tín dụng trong đó có Ngân hàng Phát triển với chức năng cung cấp một kênh vốn ưu đãi, cũng đã rút ra những bài học “máu xương” từ những vụ đổ bể gần đây ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum… do tăng trưởng tín dụng quá “nóng” và sự gian đối, lừa đảo của DN. Và việc một số món vay đang gặp khó khăn khi tiến hành thu gốc, lãi đã phần nào nói lên nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tín dụng nếu công tác tư vấn lập dự án, thẩm định, kiểm tra giám sát vốn vay và cả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị buông lỏng.   
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phượng cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngân hàng có quan hệ tín dụng với Chi nhánh đều chịu nhiều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ, sự bất ổn của thị trường làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ của các khách hàng. Thu nợ, thu lãi là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã tập trung triển khai công tác thu nợ, thu lãi do Ngân hàng Phát triển giao. Chi nhánh thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của các DN, nắm bắt nguồn thu, đôn đốc các đơn vị trả nợ gốc, lãi.
Hầu hết các đơn vị đều chủ động thực hiện nghĩa vụ đối với ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Và cho đến cuối năm 2011, dư nợ tín dụng đầu tư của Chi nhánh là trên 1,617 tỷ đồng, tăng 0,74% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, nợ quá hạn chiếm 1,7% tổng dư nợ, tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm trước và lãi treo là trên 17,4 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng thời điểm năm trước. Đối với tín dụng xuất khẩu, cùng thời điểm, dư nợ đạt 76,4 tỷ đồng, giảm 33,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ quá hạn là 11,4 triệu đồng và lãi phải thu là 1,78 tỷ đồng. 
Tổng hợp tín dụng đầu tư và xuất khẩu đã phản ánh phần nào khó khăn của Chi nhánh khi nguồn vốn hạn hẹp, trong khi nhu cầu của DN thì rất cao. Việc bảo lãnh cho DN vay vốn tại Chi nhánh cũng không được thuận lợi, dẫu chưa phát sinh tình trạng Chi nhánh phải trả nợ thay. Tuy nhiên với việc khiếu kiện doanh nghiệp tư nhân Tiểu Phụng (TP. Pleiku) ra tòa và tập trung xử lý khoản nợ của Công ty TNHH Đại Thành Phát và Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư Hải Phòng (Nhà máy mì Phú Túc) cho thấy, Chi nhánh sẽ còn nhiều vất vả khi xử lý tồn tại trong quá trình hoạt động.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm