Giáo dục

Tuyển sinh

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Dự thảo với nhiều điểm mới như nâng chuẩn đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, các phương thức xét tuyển phải quy về một thang điểm chung để xét tuyển công bằng.

Theo dự thảo, các trường được xét sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Làm khó các trường?

Một chuyên gia tuyển sinh ở một trường đại học khu vực phía Bắc cho rằng, ông ủng hộ việc cần thiết siết xét tuyển sớm nhưng có điều Bộ Giáo dục định ra chỉ tiêu ở con số 20% là nửa vời, thiếu cơ sở khoa học và không thuyết phục.

Theo chuyên gia này, trên thực tế các phương thức xét tuyển sớm để tuyển chọn các em sinh viên giỏi từ các thành tích thi học sinh giỏi, từ các trường chuyên, các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT,… cho thấy với đối tượng như vậy có chất lượng đầu vào rất tốt và tin cậy.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường top dưới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (trường Đại học Công Thương TP.HCM) cũng cho rằng, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% sẽ gây khó cho các trường, đặc biệt là các trường top dưới.

Khập khiễng quy đổi điểm chuẩn?

Về việc quy đổi điểm chuẩn các phương thức về một thang điểm chung, ông Nguyễn Quang Trung nhìn nhận, ưu điểm là giúp chúng ta dễ dàng so sánh giữa các phương thức cũng như thuận lợi trong công bố điểm chuẩn, khi mỗi ngành chỉ có một mức điểm chuẩn duy nhất.

Tuy nhiên, theo ông Trung, quy định này cũng gây nên một số trở ngại, khi các phương thức được các trường sử dụng theo thang đo, công thức quy đổi khác nhau.

Đơn cử, điểm thi đánh giá năng lực của một thí sinh đạt 80/150 điểm, có trường quy đổi ra mức 26/30 điểm, nhưng có trường quy đổi ra mức 27/30 điểm. Điều này dẫn đến tình trạng “khập khiễng”, trở ngại, khó khăn đối với thí sinh khi so sánh giữa vì các trường quy đổi cao, thấp khác nhau.

Ông Trung còn lo lắng, với việc áp quy định mới này, bắt buộc các trường sẽ phải đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ các phương thức xét tuyển những năm trước đã áp dụng để xem với điểm chuẩn như vậy kết quả học tập của các em có đảm bảo tương đồng không?

“Nếu tương đồng, điểm chuẩn giữa các phương thức xét tuyển của các năm trước mà trường đã công bố là hợp lý. Còn nếu có sự lệch cả về kết quả học tập của sinh viên, cũng như việc sinh viên ra trường tốt nghiệp sớm, tốt nghiệp đúng hạn hay tốt nghiệp muộn thì các trường sẽ phải điều chỉnh công thức quy đổi điểm”- ông Trung nói.

Trong khi đó, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, mỗi phương thức chỉ đánh giá được một vài tố chất của thí sinh với một độ chính xác nhất định. Và "một vài tố chất" này của các phương thức khác nhau có thể khác biệt, độ chính xác cũng khác nhau nên khó so sánh quy đổi được.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Quang Trung cho rằng với các quy định mới Bộ GD&ĐT đề xuất, điều rất quan trọng với các trường là Bộ GD&ĐT cần có quyết định ban hành Quy chế chính thức sớm và các giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện, triển khai ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài cũng như ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển của năm 2025.

Với các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển đại học năm 2025, ông Trung khuyên các em không nên quá lo lắng, bởi Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm mục tiêu hướng đến kỳ tuyển sinh chất lượng hơn và đảm bảo sự công bằng cho các em. Nếu có năng lực thực sự, cơ hội của các em sẽ lớn hơn.

“Các em không nên lo lắng mà hãy tập trung vào việc học tập để đạt được kết quả cao nhất. Thí sinh vẫn nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để nâng cao kết quả thi thì cơ hội của các em sẽ lớn hơn. Ngoài ra, nếu còn thời gian và điều kiện, các em có thể cân nhắc tham gia thêm 1-2 phương thức xét tuyển khác để tăng cơ hội trúng tuyển”, ông Trung cho hay.

Theo Đỗ Hợp (TPO)

Có thể bạn quan tâm