Thể thao

"Siêu cò" lũng đoạn làng bóng đá-"Cò" ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người đại diện cầu thủ (agent) phải được FIFA cấp phép, nhưng số lượng người tham gia vào hoạt động “cò cầu thủ” thì đếm không xuể do địa hạt này tương đối béo bở.
Mọc lên như nấm sau mưa  
Trước năm 2015, tính cả Anh lẫn Tây Ban Nha, có chưa đến 500 agent. Nhưng trong 4 năm qua, con số này đã tăng đến 6.000 - 7.000 người. Điều này khiến vào cuối năm 2018, FIFA phải tuyên bố sẽ đưa ra một hệ thống kiểm soát mới vào năm 2020 để thanh lọc giới agent.
6 tỷ EUR được cho là số tiền chuyển nhượng thực hiện trong năm 2018 mà FIFA thống kê được, trong đó có 250 triệu EUR phí lót tay “có khai báo”. Số tiền khổng lồ này liệu đã tính đến phần tiền “ăn line” của HLV và cả những lãnh đạo phụ trách chuyển nhượng tại các CLB hay không thì chưa thống kê được. 
 
Lee Dong-jun (phải) hiện nổi lên là “siêu cò” ở thị trường Đông Nam Á.
Tuy nhiên, số lượng “cò” phát triển quá nhanh đã cho thấy mối quan hệ HLV - cầu thủ - “cò” là rất rõ ràng. Đó là nói đến những agent được FIFA cấp phép trực tiếp thông qua các bài kiểm tra về năng lực, sự am hiểu và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng đó chỉ mới là một phần của “thế giới cò” vốn cực kỳ phức tạp.
Tiêu biểu như ở bóng đá Việt Nam. Được biết chỉ có 2 agent chính thức đang hoạt động có đăng ký với VFF theo quy định. Nhưng 2 agent này chủ yếu phục vụ cho các cầu thủ nước ngoài. Vậy thì có phải toàn bộ mảng chuyển nhượng của cầu thủ nội hoạt động ở một đường dây khác?
Có một luật sư lâu năm, thông qua việc một cầu thủ nước ngoài nhờ giúp đỡ, đã định “nhảy” vào việc môi giới cầu thủ vì thấy “có ăn” quá, lại phù hợp với công việc “đại diện thân chủ” theo nguồn gốc ban đầu của nghề agent. Sau một thời gian ngắn, ông này đành ngậm ngùi từ bỏ chỉ vì không thể cạnh tranh nổi. Theo lời kể của ông này, có người mới hôm trước là đối tác thì hôm sau đã thành đối thủ. Có người được ông nhờ để tạo mối quan hệ với HLV thì một thời gian ngắn đã trở thành “cò”. 
Có bước vào lĩnh vực này mới biết, giới “cò” ở Việt Nam không thiếu một ai: HLV, cựu cầu thủ, giám đốc điều hành CLB, bác sĩ đội bóng, phóng viên thể thao…, thậm chí chính người được xem là chủ tịch CLB cũng là “cò”. Nói chung là cứ dính líu hoặc có mối quan hệ với các CLB thì đều “làm ăn” được.
Thuận lợi và rắc rối  
Liên quan đến việc gia hạn hợp đồng của HLV Park Hang-seo với VFF, người ta mới nghe nhiều đến Lee Dong-jun, một “siêu cò” mới nổi tại thị trường Đông Nam Á. Với chứng chỉ hành nghề của FIFA do Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc (KFA) cấp, Lee Dong-jun có quan hệ mật thiết với các CLB lớn của K-League, các cầu thủ Hàn Quốc, cũng như có trong tay một danh sách những HLV kỳ cựu của xứ kim chi.
Công ty IAM của Lee Dong-jun rất nổi tiếng tại Hàn Quốc, vì “siêu cò” này rất biết cách kết nối với truyền thông, chủ động phần hình ảnh, thông tin cho những tờ báo lớn của Hàn Quốc như Chosun, Naver… Ví dụ, những tin tức đầu tiên về việc HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hay HLV Chung Hae-seong làm giám đốc kỹ thuật ở HA.GL đều do Lee gửi cho truyền thông quê nhà để rồi sau đó được hàng loạt báo khác đăng lại.
Chính Lee Dong-jun là “đạo diễn” của việc Xuân Trường trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi bóng ở Hàn Quốc sau 30 năm. Sau Xuân Trường, đến lượt Công Phượng sang đá cho Incheon cũng một tay Lee thu xếp, bao gồm cả việc tạo điều kiện để Phượng sang Bỉ.
Cũng chính Lee là người gửi đơn xin việc của HLV Park Hang-seo cho VFF. Một loạt chuyên gia Hàn Quốc trong đội ngũ trợ lý của ông Park hiện nay cũng nhờ Lee làm đại diện cho mình. HLV thể lực cũ người Hàn Quốc của đội tuyển Việt Nam đã được Lee đưa sang Malaysia và mới đây là sang Hồng Công. 
Thế nên, ngay thông tin HLV Park Hang-seo đòi gần 100.000 USD cũng được cho là “chiêu” của người đại diện Lee Dong-jun. Con số này được tung ra không hẳn là để gây sức ép với VFF, mà là để những người như Lee “giữ giá” cho thân chủ của mình.
Nói cách khác, con số đó là sự khẳng định “đẳng cấp” của ông Park, và nếu có đội bóng nào khác ngoài Việt Nam muốn thuê HLV Park Hang-seo thì phải bắt đầu từ con số 100.000 USD.  Nhưng rõ ràng, sự nổi tiếng của HLV Park Hang-seo cũng đem đến lợi ích khó tưởng dành cho Lee Dong-jun.
Mối quan hệ 2 chiều này là bản chất của những người đại diện “xịn”. Ngược lại, các hoạt động môi giới cầu thủ theo kiểu “cò” trong bóng đá Việt Nam nhiều năm qua thường mang đến rắc rối cho các bên. Có “cò” gửi cầu thủ cho HLV xem giò cẳng, được thì bỏ túi tiền hoa hồng, không được thì quay sang nghi ngờ HLV đang thuộc “dây” của “cò” khác nên mới ép cầu thủ của mình. Sau đó bắt đầu đi nói xấu, hoặc công kích những người mà anh ta nghi ngờ đã “cướp mối làm ăn”. Thiệt hại cuối cùng lại thuộc về cầu thủ khi để ấn tượng xấu đối với đội bóng.

“Cò cầu thủ” vốn dĩ là nghề buôn không vốn, hơn nhau ở những mối quan hệ, nhưng cách tiếp nhận thành công hay thất bại của các “cò” khá khác nhau. Những “cò” có kinh nghiệm và quan hệ tốt, khi đưa cầu thủ sang là giới thiệu đến các đội có khả năng tài chính mạnh. Sau khoảng thời gian thỏa thuận, nếu thấy khó hy vọng là rút dần sang những đội yếu tài chính. Có trường hợp, “cò” hòa vốn khi chỉ nhận lại vừa đủ tiền vé máy bay cho cầu thủ. Nhưng cũng có cò phản ứng rất tiêu cực khi cầu thủ mình gửi không qua được kỳ kiểm tra.

Nhắc đến “cò” Trần Tiến Đại là phải nhắc đến những phi vụ chuyển nhượng vô tiền khoáng hậu trên sân cỏ nội. Bản hợp đồng triệu đô để “câu” Samson từ CLB Đồng Tháp ra Hà Nội T&T do một tay ông Đại thu xếp. 8 tỷ đồng để đổi lấy cái gật đầu của tiền đạo Việt Thắng chuyển từ ĐT.LA ra Ninh Bình cũng nhờ tài “rót mật vào tai” bầu Trường của siêu cò số 1 Việt Nam. Có dạo, “quân” của ông Đại “nằm vùng” ở khắp mấy chục CLB V-League và hạng nhất. Ngoài ra còn là một lực lượng hùng hậu dự phòng (cả Tây lẫn ta) được bao nuôi ăn tập và sẵn sàng nắm lấy cơ hội thử việc bất cứ thời điểm nào.

Chu Ngọc (ĐTTCO) 

Có thể bạn quan tâm