(GLO)- Mô hình du lịch cộng đồng đang được nhân rộng tại các địa phương trong toàn tỉnh. Điều này không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn giúp người dân tận dụng lợi thế riêng để tạo sinh kế, tăng thu nhập.
Với già làng Đinh BLich (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), việc Kgiang phát triển thành làng du lịch cộng đồng khiến dân làng rất phấn khởi. Bởi từ đây, người dân địa phương biết làm du lịch, vừa có kinh tế vừa gìn giữ được văn hóa của người Bahnar. Đầu năm 2019, mô hình homestay do anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang) xây dựng bắt đầu đi vào hoạt động. Đây được xem là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc sống của người dân trong làng. “Những người tham gia phục vụ du khách ở homestay này đều là dân làng Kgiang, trong đó có cả nghệ nhân của các loại hình văn hóa dân gian. Lợi ích của du lịch cộng đồng đã tác động rất lớn đến ý thức người dân. Dân làng đã biết làm các sản phẩm thủ công truyền thống như đan gùi, đan rổ, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… để bán cho khách du lịch. Cả cộng đồng cùng làm nhưng mỗi người đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, ai cũng có việc làm, có thu nhập nên họ rất kiên trì và cố gắng”-anh A Ngưi phân tích.
Tại homestay A Ngưi, du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, cà đắng; cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy, áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi… Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối cũng như các tour du lịch sinh thái. Anh A Ngưi cho biết: “Mô hình làm du lịch này đã tạo việc làm cho gần 200 người dân trong làng với mức thu nhập trung bình 200-300 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài việc biểu diễn cồng chiêng, đan lát…, mỗi người dân đều có thể trở thành “hướng dẫn viên” thân thiện, nhiệt tình. Hiện làng Kgiang có khoảng 30 người có kỹ năng thường xuyên dẫn khách trải nghiệm thực tế vào rừng”.
Người dân làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trồng bông dệt vải để bán cho khách du lịch. Ảnh: T.D |
Làng Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) mỗi năm đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và khám phá văn hóa bản địa. Bởi vậy, dân làng cũng tích cực tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa như: tham gia các đội cồng chiêng, múa xoang, hòa tấu nhạc cụ… đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách. Những quán ẩm thực Jrai cũng nhanh chóng xuất hiện để phục vụ nhu cầu của khách thập phương. Anh Rơ Lan Múi cho biết: “Từ khi du khách tìm tới ngôi làng của mình ngày càng đông thì dân làng cũng có nhiều việc làm hơn để kiếm thêm thu nhập. Nếu trước đây chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp thì nay chúng tôi còn có thêm nguồn thu từ việc tham gia biểu diễn cồng chiêng hay bán gùi, bán thổ cẩm… Nhiều gia đình nhờ tham gia quảng bá du lịch mà thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng”.
Tương tự, làng văn hóa-du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) có 105 hộ dân với hơn 500 khẩu hầu hết là người Jrai. Hiện nay, song song với việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống, người dân trong làng đang tích cực phát triển du lịch. Người trẻ làm “hướng dẫn viên” đưa du khách tới các điểm tham quan; người già thì nấu nướng đồ ăn để phục vụ thực khách, các nghệ nhân đánh chiêng, múa xoang… Từ khi phát triển du lịch, cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Nghệ nhân nhí của làng Ốp, thuộc phường Hoa Lư, thành phố Pleiku biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Trần Dung |
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: “Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại TP. Pleiku mà còn tạo ra việc làm ổn định cho người dân. Trên địa bàn thành phố hiện có một số ngôi làng có tiềm năng về du lịch cộng đồng như: làng Kép (phường Đống Đa), làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi), Plei Ốp (phường Hoa Lư), Ia Nueng (xã Biển Hồ)… Chúng tôi đã có kế hoạch để thành phố phát triển mạnh loại hình du lịch này trong tương lai gần”.
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở một số xã thuộc huyện Kbang vào tháng 11-2019, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: Muốn phát triển kinh tế lâu dài thì cần lựa chọn và liên kết đầu tư xây dựng làng dân tộc thiểu số gắn với du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương nên chọn một làng dân tộc thiểu số tiêu biểu, có đầy đủ các yếu tố như: bản sắc, cảnh quan, môi trường… để phát triển thành làng du lịch cộng đồng. Cùng với đó, liên kết đào tạo, hướng dẫn bà con các làng đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch, từ đó tạo những điểm đến lý tưởng thu hút khách tham quan, trải nghiệm; từng bước giúp người dân cải thiện và nâng cao đời sống.
TRẦN DUNG