(GLO)- Năm 2021, Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND TP. Pleiku phối hợp thực hiện đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu và xây dựng câu lạc bộ nghề truyền thống nhằm đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”. Trong khuôn khổ đề tài, 2 câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ dân gian được thành lập tại các làng trên địa bàn TP. Pleiku.
Gắn liền với 2 CLB là phòng trưng bày các sản phẩm dệt làng Phung đặt tại nhà nghệ nhân Pel và vườn tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai đặt tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Đây cũng là những địa điểm người dân và du khách có được sự trải nghiệm văn hóa thú vị, ngược dòng thời gian tìm hiểu giá trị nổi bật của nghề truyền thống được các dân tộc bản địa gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử.
Từ đề tài đến thực tế
Sau nhiều chục năm thực hành nghề dệt, nghệ nhân Pel-Chủ nhiệm CLB Dệt làng Phung-thỏa tâm nguyện khi có một phòng trưng bày các sản phẩm tinh hoa của nghề truyền thống. Không gian được chia nhỏ để trưng bày những tấm thổ cẩm nguyên miếng, trang phục truyền thống nam-nữ, sản phẩm thời trang từ nghề dệt như vỏ gối, khăn quàng cổ, các loại túi xách, ba lô đủ kích cỡ, móc chìa khóa… Không gian giữa phòng đặt 1 khung dệt truyền thống, nơi các nghệ nhân tạo ra sản phẩm, đồng thời hướng dẫn du khách trải nghiệm, tìm hiểu nghề thủ công tiêu biểu của người phụ nữ Jrai. Tính thẩm mỹ trong cách bài trí, trưng bày càng tôn vinh giá trị của sản phẩm. Nghệ nhân Pel cho biết: “Câu lạc bộ là nơi tập hợp những phụ nữ giỏi tay nghề nhất của làng, tạo ra các sản phẩm dệt tiêu biểu, có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Quá trình thực hành nghề, chúng tôi cũng tìm tòi, đổi mới chất liệu để thổ cẩm có sự mềm mại, mang tính ứng dụng cao, khách có thể mua sản phẩm về sử dụng hàng ngày”.
Phòng trưng bày các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Châu |
Trước đó, tháng 6-2022, vườn tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai hoàn thành, đặt tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng làng Ia Nueng góp thêm một điểm trải nghiệm văn hóa thú vị gần thắng cảnh Biển Hồ. Vườn có 24 tượng gỗ và cột trang trí trưng bày các nhóm tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội, tình cảm gia đình… Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), thành viên đề tài khoa học “Nghiên cứu và xây dựng CLB nghề truyền thống nhằm đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”-cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực để thành lập 2 CLB nghề tập hợp những nghệ nhân giỏi, tâm huyết, kết hợp với đào tạo nghề cho lớp trẻ. Cùng với phòng trưng bày, vườn tượng, đề tài mong muốn góp phần quảng bá các sản phẩm văn hóa tinh hoa của dân tộc Jrai ra thị trường, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho bà con. Chúng tôi hy vọng đề tài ứng dụng thành công vào cuộc sống, biến giá trị văn hóa dân tộc thành nguồn vốn, và còn thấy được giá trị hữu dụng của các phẩm truyền thống, từ đó gia tăng thu nhập và hướng đến sinh kế bền vững”.
Hướng đến sinh kế bền vững
Hình thành các CLB nghề dệt và tạc tượng gỗ dân gian cùng các mô hình trưng bày sản phẩm được kỳ vọng tạo điểm nhấn trong hành trình khám phá, nghiên cứu văn hóa-lịch sử của phố núi Pleiku, mở ra cơ hội để cộng đồng khai thác di sản văn hóa, phát triển sinh kế. Nghệ nhân Pel cho hay, bà cùng các thành viên CLB sẵn sàng hướng dẫn cho du khách trải nghiệm nghề dệt. Nữ nghệ nhân cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp sức từ các cấp, các ngành trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Du khách có thể tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua trang phục truyền thống-một sản phẩm tiêu biểu của nghề dệt. Ảnh: Minh Châu |
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Các mô hình được thành lập trong khuôn khổ đề tài đã tập hợp được đội ngũ nghệ nhân giỏi để cùng nhau truyền nghề, bảo tồn các giá trị đặc sắc của nghề truyền thống, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. Từ khi ra mắt phòng trưng bày (tháng 6-2022) đến nay, CLB Dệt làng Phung đã bán được nhiều sản phẩm. Đây là những mô hình thiết thực, đúng với định hướng của TP. Pleiku về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế-Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh-cho rằng: Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh đang là xu hướng bởi tính bền vững và nhân văn. Những ngôi làng như làng Phung, Ia Nueng vẫn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, gần thắng cảnh Biển Hồ-biểu tượng của du lịch Gia Lai nên rất thuận lợi trong 1 tuyến tham quan của khách du lịch. Từ năm 2020, một số đoàn khảo sát du lịch cộng đồng đã rất ấn tượng với ngôi làng Ia Nueng bởi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như quần thể cây đa cổ thụ, giọt nước.
“Nếu cộng đồng bảo tồn, phát huy được các giá trị thì đây có thể trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Thành phố cần tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con, nhất là giới thiệu tại Khu du lịch Biển Hồ. Ngược lại, các sản phẩm bà con làm ra cũng cần sáng tạo hơn để có tính ứng dụng cao vào đời sống hàng ngày như: ba lô, túi xách cho học sinh đi học, người dân có thể mang đi du lịch, quần áo có thể mặc dự tiệc, lễ hội… chứ không chỉ là một món quà lưu niệm. Bên cạnh đó, làm sao để giá thành sản phẩm tốt nhất nhưng chất lượng phải tốt hơn để mọi người có thể sử dụng hàng ngày. Có như vậy, sản phẩm mới phát triển, giúp bà con vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế và thu hút du khách, phát triển du lịch”-ông Quế nhấn mạnh.
MINH CHÂU