Mặc dù rất nhiều quyết định đã được phê duyệt nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trí thức trẻ (học sinh, sinh viên), nhưng kết quả hiện nay chưa thật sự khả quan.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM trong giờ học về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo |
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã đi vào hoạt động hơn một năm. Sinh viên sẽ được Nhà nước và các trường đại học (ĐH) tạo điều kiện ra sao, nguồn kinh phí để khuyến khích khởi nghiệp được tạo ra từ những nguồn nào? Các trường nên làm gì để khơi gợi và làm bùng cháy khát khao khởi nghiệp trong sinh viên và đáp ứng được yêu cầu đặt ra?
Khởi nghiệp mới mang tính phong trào
Mặc dù rất nhiều quyết định đã được phê duyệt nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trí thức trẻ (học sinh, sinh viên), nhưng kết quả hiện nay chưa thật sự khả quan. Sau hơn một năm thực hiện đề án nói trên, đến tháng 3-2017 cả nước có khoảng 1.500 công ty khởi nghiệp và tính bình quân trên đầu người thì Việt Nam đứng trên cả Trung Quốc, Ấn Độ. Song con số ấn tượng đó không làm nên một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh và có sức bứt phá.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến hoạt động khởi nghiệp chưa hiệu quả là do chính sách nhà nước nói chung và các trường ĐH nói riêng còn thiếu nhiều cơ chế hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó vấn đề nan giải là nguồn vốn tài trợ cho hoạt động này. Th.S Trẩm Bích Lộc, Trường ĐH Sài Gòn, dẫn chứng: “Thực trạng chung của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trên thế giới là luôn gặp khó khăn trong những năm đầu khởi sự. Cụ thể, tại Anh, tỷ lệ DN còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%; tại New Zealand, tỷ lệ này dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), tốc độ gia tăng số lượng DN thành lập mới và DN giải thể ở mức tương đương nhau, tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm là 46%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phá sản DN khởi nghiệp là không đủ nguồn vốn hoạt động”. Hiệu trưởng một trường tại TPHCM nêu rằng trong kế hoạch thực hiện đề án của Chính phủ, nguồn kinh phí để đạt những mục tiêu chủ yếu là do trường ĐH chủ động bố trí từ các nguồn thu hợp pháp của trường, hoặc do nhà trường tự vận động từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Trong khi đó, với nguồn học phí như hiện nay, các trường khó mà thực hiện được. Vì vậy, câu chuyện khởi nghiệp khó tránh khỏi làm cho có, làm theo phong trào mà thôi.
Theo đại diện nhiều trường, các quyết định mang tính chiến lược từ Chính phủ đã tạo lực đẩy khiến các trường ĐH chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Cụ thể, những buổi hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau, hoặc các buổi tư vấn, giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã được tổ chức để bàn về vấn đề khởi nghiệp, tổ chức nhiều cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp… Bên cạnh đó, một số trường đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp. Song, có thể thấy hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế.
Cần nhiều giải pháp tổng thể
|
Sau khi thống kê 40/90 trường hợp gọi vốn không thành công trong chương trình Thương vụ bạc tỷ Việt Nam mùa 1 và mùa 2, nhóm tác giả của Trường ĐH Sài Gòn đã đưa ra bảng tổng kết gồm 3 nhóm lý do chính như sau: Trong số các dự án thất bại kêu gọi vốn đầu tư, có đến 95% có liên quan đến vấn đề về mô hình kinh doanh. 60% các dự án thất bại có liên quan đến vấn đề về tài chính và 42,5% liên quan đến vấn đề về con người và nhân sự. Trong mùa đầu tiên, các trường hợp thất bại trong gọi vốn có đến 64% liên quan đến vấn đề tài chính startup không am hiểu về các chỉ số tài chính của DN mình, định giá không hợp lý, chi phí làm ra sản phẩm hoặc chi phí vận hành quá lớn dẫn đến hiệu quả thấp trong đầu tư.
Theo Th.S Trẩm Bích Lộc, nguyên nhân việc trí thức trẻ khởi nghiệp chưa thành công có thể là vì sự hợp tác giữa trường ĐH và DN vẫn còn ở mức độ thấp, khiến cho những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao. Còn ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, nhận định sự hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp giữa ĐH và DN, mang tính “chắp vá” về cả phương thức, thời hạn và nội dung. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, trong số hơn 400 DN có quan hệ hợp tác với trường ĐH, chỉ có 47 trường hợp xem các trường là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của DN.
Th.S Trẩm Bích Lộc cho rằng trong giai đoạn đầu hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nguồn vốn nên đến từ ngân sách nhà nước. Bài học từ Israel, Mỹ và Phần Lan đều cho thấy nguồn vốn hầu hết được Chính phủ hỗ trợ, và Chính phủ sẽ thu hồi được vốn đầu tư của mình thông qua lợi nhuận thu về từ chính dự án. Để làm được điều này, đòi hỏi nhà nước cần có cơ quan giám định các dự án khởi nghiệp, thiết lập các vườn ươm DN, không gian làm việc chung… để hỗ trợ DN khởi nghiệp trong giai đoạn đầu hoạt động. Khi các mô hình đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, thì đó mới là lúc các trường ĐH phải tự huy động một phần nguồn vốn để hỗ trợ việc khởi nghiệp cho sinh viên của mình (theo kinh nghiệm Phần Lan là 35%).
Thanh Hùng (sggp)