Tận dụng chuồng heo cũ để nuôi dúi, mỗi tháng Lê Hoài Trung (sinh viên năm 4 ngành thủy sản Trường ĐH An Giang, ảnh) thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng.
Ảnh: Duy Tân |
Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp trong khi vẫn đang đi học, Trung cho biết năm 2018, thông qua báo đài, thấy dúi dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế khá cao nên quyết định mua 5 cặp giống về nuôi thử nghiệm.
Nhờ học chuyên ngành thủy sản, Trung dễ tính toán, áp dụng chế độ dinh dưỡng kết hợp men tiêu hóa, chất khoáng bổ sung cho dúi ăn nên dúi phát triển, sinh trưởng tốt. Nắm rõ tập tính của dúi là sợ ánh sáng, không ưa nóng, anh tận dụng chuồng heo cũ với diện tích 30 m2 rồi mua gạch về ngăn thành từng ô vuông, mỗi ô khoảng 5 tấc để ghép cặp cho dúi sinh sản. Chuồng trại được che kín, hạn chế ánh sáng lọt vào và làm vệ sinh mỗi ngày.
Trung cho biết dúi rất dễ nuôi, chúng chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Thức ăn cũng rất dễ tìm xung quanh vườn nhà. Thực đơn mỗi ngày cho dúi gồm 10 cm mía, 10 cm tre, 15 - 20 hạt bắp và bổ sung thêm rau, củ, quả, khoáng chất. Dúi nuôi trong vòng 7 tháng có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng khoảng 1 kg/con. Riêng dúi sinh sản, nếu chăm sóc tốt, mỗi con đẻ 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 2 - 5 con. Dúi con khi tách mẹ khoảng 30 ngày sẽ đạt trọng lượng từ 200 - 300 gr/con, khi đó bắt đầu bán giống. Riêng dúi giống, Trung bán với giá từ 1,2 - 2 triệu đồng/cặp. Nhờ đó, mỗi tháng có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, nên có thể tự trang trải chi phí học tập và sinh hoạt hằng ngày.
Theo Trung, dúi có đầu ra khá ổn định bởi đây là vật nuôi đang được ưa chuộng. Các món ăn chế biến từ dúi vừa ngon, vừa giàu dinh dưỡng, rất được thực khách ưa chuộng. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến nhà anh đặt mua giống. Hiện Trung ấp ủ kế hoạch mở rộng trại nuôi để nhân đàn bán dúi giống và dúi thương phẩm. Điều mong muốn lớn nhất của Trung là sở hữu một trang trại nuôi dúi lớn nhất xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang.
Theo Duy Tân (Thanh Niên)