(GLO)- Sinh ra trong một gia đình nông dân có 8 người con ở làng Kly (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông), học xong lớp 5, Siu Dáp ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy. Năm 1999, khi vừa 19 tuổi, Dáp xin vào làm công nhân trồng cà phê ở Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) và được phân công về đội 1. Đây là đơn vị có 99% quân số là người Jrai.
Chị Siu Dáp kể: Hồi mới vào công nhân, mình thấy cái gì cũng khó, phải dậy sớm để đi làm đúng giờ, chăm sóc vườn cây theo quy trình kỹ thuật, tham gia sinh hoạt đoàn thể, hội họp... Phải mất cả năm, mình mới quen được. Mặc dù lương không cao như công nhân trồng cao su trong Binh đoàn nhưng vẫn ổn định hơn làm rẫy nên mình rất thích và luôn cố gắng chăm sóc vườn cây nhận khoán thật tốt để đạt năng suất, sản lượng được giao. Sau một thời gian công tác, mình được đơn vị quan tâm cho đi học bổ túc văn hóa (đã tốt nghiệp lớp 9), được bầu làm cán bộ Hội Phụ nữ và được kết nạp vào Đảng.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, chị Siu Dáp còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.D |
Năm 2007, đơn vị chuyển đổi cây cà phê sang trồng cây cao su, mình được giao khoán chăm sóc 2,4 ha. Tiền lương chăm sóc vườn cây cao su thấp nên chị em không ổn định tư tưởng, thắc mắc đủ chuyện. Mình cùng cán bộ, chỉ huy đội phải giải thích cặn kẽ cho chị em hiểu, ai còn chưa thông suốt thì đến tận nhà. Hàng năm, đội đều chia lại diện tích vườn cây để cân đối thu nhập cho công nhân. Tất cả các chế độ, chính sách (định mức phân bón, công, lương...) đều công khai để mọi người kiểm tra, giám sát nên chị em phấn khởi lắm, phát động phong trào gì cũng đều thống nhất. Mình cũng bàn với chồng áp dụng kỹ thuật được cán bộ Công ty hướng dẫn vào sản xuất vườn cây của gia đình. Hiện nhà mình có 1,5 ha cà phê, 70 trụ tiêu, 1 sào lúa nước 2 vụ, 3 con bò và trồng mì trên bờ lô cao su nhận khoán. Ngoài tiền lương, mỗi năm mình thu nhập 150 triệu đồng, đủ trang trải trong gia đình, nuôi 2 con ăn học và có một phần tích lũy. Ngôi nhà này mình xây năm 2015, trị giá 400 triệu đồng (mình có 300 triệu đồng và anh em trong nhà góp cho mượn 100 triệu đồng).
Nói về chị Siu Dáp, Đại úy Trương Nhật Quang-Bí thư chi bộ, Đội trưởng đội 1, vui vẻ cho biết: Chị Dáp là người luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, dù chăm sóc cà phê hay cao su. Chị không chỉ gương mẫu đi đầu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây mà còn tuyên truyền, vận động chị em nghiêm túc chấp hành. Đội 1 có 105 lao động, trong đó có 77 lao động nữ. Người địa phương theo mẫu hệ nên vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Nhờ gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, lại luôn gần gũi làm tốt công tác dân vận nên chị Dáp được chị em quý mến, tin tưởng, lời nói rất có trọng lượng, xây dựng được tình đoàn kết, ý thức chấp hành trong chị em. Nhiều năm liền chị Dáp đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm nào chị cũng được Công ty, Binh đoàn tặng giấy khen, bằng khen hoàn thành tốt nhiệm vụ và có thành tích trong phong trào phụ nữ hay các đợt thi đua cao điểm.
“Từ năm 2006 đến nay, chị Siu Dáp luôn được chị em tín nhiệm bầu làm cán bộ Hội Phụ nữ. Ở cương vị Chi hội trưởng hay Chi hội phó, chị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, trong thực hiện nhiệm vụ lúc nào cũng hoàn thành trước với kết quả cao để làm gương cho chị em và tuyên truyền, vận động chị em làm theo, được chị em tôn trọng, tin tưởng. Hàng năm, chị đều đạt danh hiệu “Phụ nữ 2 giỏi”, gia đình chị luôn thực hiện tốt các quy định ở địa phương và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Năm 2007, chị Dáp được tuyên dương “Phụ nữ 2 giỏi” cấp Binh đoàn. Chị cũng là cán bộ Hội người dân tộc thiểu số đầu tiên của Binh đoàn vinh dự được ra thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quân nhiệm kỳ 2006-2011. Chị là tấm gương đáng để mọi người học tập, noi theo”-Thiếu tá Ninh Thị Dung-Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Công ty Bình Dương, khẳng định.
Nguyễn Dung