TN - Đất & Người

Sơ lược tiến trình hội nhập phía Đông Tây Nguyên vào lãnh thổ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bài viết nhỏ này, tôi muốn đề cập tiến trình hội nhập phía Đông Tây Nguyên vào lãnh thổ Việt Nam.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, mối quan hệ giữa các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng, người Việt nói chung với các tộc người trong khu vực Tây Nguyên được thiết lập khá sớm.

Dấu mốc sớm nhất được biết đến về mối quan hệ giữa nhà nước phong kiến Việt Nam với cư dân Tây Nguyên là năm 1149, khi Vua Champa là Harivarman Đệ Nhất đánh đuổi người Chân Lạp ra khỏi đất nước, rồi tiến đánh các bộ lạc Thượng và chiếm miền cao nguyên. Tất nhiên, đồng bào Thượng đã nổi dậy chống lại người Champa. Khi nghĩa quân Thượng bị đánh bại, họ chạy sang Đại Việt và được Vua Lý Anh Tông giúp đỡ để quay lại Tây Nguyên tiếp tục chiến đấu.

Hội cầu huê của người Việt vùng An Khê năm 2024. Ảnh: Đ.T

Hội cầu huê của người Việt vùng An Khê năm 2024. Ảnh: Đ.T

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành... mở đất đến núi Thạch Bi (nay thuộc tỉnh Phú Yên), quân Đại Việt tiến lên Tây Nguyên, Nhà vua đặt Tây Nguyên là nước Nam Bàn, một phiên quốc của Đại Việt.

Năm 1540, ông Bùi Tá Hãn/Hán được bổ nhiệm vào trấn thủ Quảng Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Đại Việt với các bộ tộc trên vùng cao. Nhưng thực tế cho đến lúc này, vẫn chưa có sự lệ thuộc nào giữa người Tây Nguyên với Đại Việt và cũng chưa có thôn, ấp nào của người Việt ở Tây Nguyên được ghi nhận.

Thế kỷ thứ XVII, Chúa Nguyễn đưa những tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn lên khai phá vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Nhóm người Việt này đã lập ra ấp Tây Sơn Nhất (tức thôn An Khê) và ấp Tây Sơn Nhì (tức thôn Cửu An) trong khu vực cư trú của người Bahnar. Đây là nhóm người Việt đầu tiên lên sinh sống ở khu vực Bắc Tây Nguyên, đưa vùng đất này thành đơn vị hành chính thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh, dinh Quảng Nam của các chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ XVIII, anh em Nguyễn Nhạc đã xây dựng Tây Sơn Thượng đạo thành căn cứ địa buổi đầu của phong trào Tây Sơn, thổi bùng lên ngọn lửa đoàn kết Kinh-Thượng. Một bộ phận cư dân trong vùng Thượng đạo (chủ yếu là người Bahnar) đã coi mình là cư dân của quốc gia dân tộc Việt Nam và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của phong trào Tây Sơn.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn cho thiết lập các sở nguồn ở khu vực An Khê (Gia Lai ngày nay) để thu thuế. Đầu tiên là nguồn Cầu Bông, đặt ở ấp An Sơn (khu vực Chợ Đồn, phía Tây sông Ba). Năm 1829, chuyển nguồn Cầu Bông về An Khê (Đông sông Ba) và đổi tên là nguồn Phương Kiệu. Hàng năm, người ta trích một phần số tiền thu được để tổ chức hát bội trong Hội cầu huê (cầu mùa màng, hoa lợi) vào dịp lễ Quý Xuân (mùng 9 và 10 tháng 2 âm lịch) ở đình An Lũy cho cả đồng bào Kinh và Thượng xem.

Năm 1877, Bố chánh tỉnh Bình Định là Phan Văn Điển xin khai khẩn đất hoang. Vua cho đặt Nha Kinh lý ở thôn An Khê, đặt quan lại cư trú, mộ dân khai khẩn, lập được 28 thôn ở đôi bờ sông Ba. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888) đặt huyện Bình Khê, thuộc phủ An Nhơn, còn Nha Kinh lý thì triệt bỏ.

Ở khu vực người Jrai, Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên ghi chép việc triều cống đầu tiên của các pơtao Jrai cho Chúa Nguyễn là vào năm 1711. Sau đó, cứ 5 năm 1 lần, các chúa Nguyễn sai người đến cho các pơtao những vật phẩm như: mũ, áo gấm, nồi đồng, chảo sắt và bát đĩa, đồ gốm. Các pơtao cũng sắm sửa các sản vật địa phương để dâng lại. Trong những năm nổ ra phong trào Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) thì các pơtao của người Jrai không đến cống các chúa Nguyễn được. Đầu niên hiệu Gia Long (1802), sứ 2 nước (Hỏa xá, Thủy xá) tiếp tục đến trấn Phú Yên nộp cống.

Qua những lần tiếp xúc với sứ bộ Hỏa xá và Thủy xá, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Nhà vua có chính sách riêng các tiểu quốc này, trong đó có việc sửa các giấy tờ có chữ “ma” trong tên gọi của Hỏa xá, Thủy xá thành chữ “lung”. Cũng xin nói thêm, khi người đàn ông Jrai có con thì người ta không còn sử dụng chính tên gọi của anh ta nữa mà gọi là bố (trong tiếng Jrai là “ma”) kèm tên đứa con đầu lòng. Ví dụ: Ma Duyên có nghĩa là bố của Duyên. Vì Vua Minh Mạng không rõ điều này (cho rằng “ma” là tên một họ) nên cho sửa lại là “lung”.

Như vậy, từ thời các chúa Nguyễn, các tù trưởng lớn của Tây Nguyên như Thủy xá, Hỏa xá đã thực hiện triều cống theo định kỳ đối với triều đình phong kiến Việt Nam. Với người Việt, cuối thế kỷ XVII, có 2 làng Việt đầu tiên được lập lên ở An Khê, đưa vùng đất này thành đơn vị hành chính thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh, dinh Quảng Nam của các chúa Nguyễn.

Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lập các sở nguồn ở ấp An Khê (lúc này thuộc huyện Tuy Viễn, Bình Định). Năm 1877, nhà Nguyễn lập Nha Kinh lý An Khê. Năm 1888, Vua Đồng Khánh đặt huyện Bình Khê, phủ An Nhơn, Bình Định, cơ bản hoàn thành việc sáp nhập một phần vùng đất phía Đông Tây Nguyên vào quốc gia dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm