Văn hóa

Nguồn gốc văn tự trên phù điêu Phật Champa Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang lưu giữ 2 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: bức phù điêu Phật Champa bằng sa thạch có nguồn gốc từ huyện Krông Pa và bộ công cụ đá thuộc sơ kỳ Đá cũ từ thị xã An Khê.

Trong quá trình tìm hiểu về nguồn gốc văn tự được khắc phía sau bức phù điêu này, chúng tôi ghi nhận được một số thông tin khá thú vị.

Bức phù điêu Phật Champa được phát hiện từ năm 1978 và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hiện bức phù điêu bản gốc được trưng bày trong một ô riêng kèm ảnh bản dập nguyên văn phần chữ viết cổ sau lưng bức phù điêu và bảng in phần phiên âm, dịch nghĩa. Bảng chú thích cung cấp những thông tin cơ bản về bảo vật được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Toàn văn phần tiếng Việt: “Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên. Bảo vật quốc gia. Hiện vật thuộc văn hóa Champa. Niên đại: Khoảng thế kỷ VI-VII. Được phát hiện tại huyện Krông Pa và đưa về Bảo tàng tỉnh Gia Lai năm 1988”.

Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: L.H.S

Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: L.H.S

Lý lịch hiện vật lưu trữ cho biết thêm một số thông tin về xuất xứ, trọng lượng, đặc điểm của bức phù điêu, trong đó có phần phiên âm và dịch nghĩa các văn tự được khắc mặt sau bức phù điêu. Tuy nhiên, bảng chú thích cũng như lý lịch hiện vật và phần thuyết minh tại Bảo tàng tỉnh không cho biết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của các văn tự ấy.

Dựa trên bản phiên âm tiếng Pali tại tủ trưng bày, chúng tôi tìm nguồn gốc của các văn tự này. Kết quả cho thấy, đây là một bài kệ nổi tiếng của Phật giáo, được ghi chép lại trong nhiều thư tịch. Nhân đây, chúng tôi giới thiệu nguồn gốc và cung cấp thêm một bản dịch lại phần văn tự này, dựa trên sự hiểu biết của mình thông qua việc tham chiếu các tài liệu liên quan, hy vọng cung cấp thêm thông tin cho những ai quan tâm đến bảo vật quốc gia phù điêu Phật Champa Tây Nguyên.

Các dòng văn tự được khắc phía sau bức phù điêu Phật Champa Tây Nguyên đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh thực ra chính là bài kệ nói về nhân duyên do tu sĩ Asvajit (A Thuyết Thị) đọc cho tu sĩ Sariputra (Xá Lợi Phất) nghe khi 2 người gặp nhau trên đường tu học. A Thuyết Thị là một trong số ít đệ tử thời kỳ đầu được nghe Đức Phật giảng về thuyết nhân duyên.

Khi một đệ tử thế hệ sau của Phật là Xá Lợi Phất (tên khác là Xá Lợi Tử) trên đường cầu học, gặp hỏi thì được A Thuyết Thị đọc cho nghe mấy câu này. Ông sống cùng thời với Đức Phật, vào khoảng cuối thế kỷ VII-đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, xuất thân từ gia đình quý tộc Bà La Môn, nổi tiếng là bậc tiên tri.

Ban đầu, A Thuyết Thị được vua Tịnh Phạn giao nhiệm vụ đưa thái tử Tất Đạt Đa (sau khi đắc đạo gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni) lên ngôi, nhưng cuối cùng lại theo thái tử xuất gia tu khổ hạnh và trở thành 1 trong 5 đệ tử đầu tiên của Phật được nghe giảng pháp tại vườn Lộc Dã. Trong tăng đoàn, A Thuyết Thị nổi tiếng là người trang nghiêm, từng làm thị giả (người hầu cận, trợ giảng) cho Đức Phật.

Còn Xá Lợi Phất là đại đệ tử của Đức Phật, nổi tiếng về trí tuệ xuất chúng, có tài biện luận, thường được Đức Phật cho giảng pháp thay. Ông lớn tuổi hơn Đức Phật, thuộc dòng dõi Bà La Môn, nhà ở gần thành Vương Xá-nơi đầu tiên Đức Phật dừng lại trên hành trình cầu đạo, cha của ông là một bậc thầy về giáo lý của đạo Bà La Môn.

Trên đường cầu học, ông đã gặp A Thuyết Thị và được khai ngộ, chỉ dẫn tìm đến Đức Phật, trở thành vị tôn giả nổi tiếng của Phật giáo, giữ vai trò thị giả trợ giảng cho Đức Phật trong suốt 20 năm, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong tăng đoàn.

Câu chuyện 2 vị tu sĩ gặp nhau và sự ra đời của bài kệ Duyên khởi (Ye dharmā) được ghi chép trong nhiều kinh sách của Phật giáo. Nguyên văn bài kệ được dịch ra Hán văn, phiên âm như sau: “Chư pháp tòng nhân sinh/Chư pháp tòng nhân diệt/Như thị diệt dữ sinh/Sa môn thuyết như thị”, nghĩa là: Các pháp đều theo nhân mà sinh ra và theo nhân mà mất đi; việc mất và sinh ấy, Phật là người đã hiểu và nói rõ.

Sau khi ra đời, Duyên khởi dần trở thành một trong những bài kệ nổi tiếng và phổ biến nhất của Phật giáo. Không những nó được ghi chép truyền tụng trong nhiều kinh sách, mà còn được khắc lại trên vàng, đá, đất nung trong kiến trúc và nghi lễ tôn giáo tại nhiều quốc gia.

Riêng tại Việt Nam, ngoài được khắc phía sau của phù điêu Phật Champa Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh, còn thấy khắc trên miếng vàng lớn nhất mới phát hiện trong kho thiêng giữa lòng tháp Champa An Phú được khai quật gần đây, với sự đoán định bước đầu của 2 chuyên gia nghiên cứu Champa được Bảo tàng tỉnh mời tham gia khai quật di tích là nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương (nguyên cán bộ Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng) và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh (Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh). Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định niên đại cũng như hoạt động tín ngưỡng của người Chăm tại Gia Lai từ nhiều thế kỷ trước.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh cho biết thêm: Bài kệ Duyên khởi cũng được khắc trên một mảnh vàng tìm thấy tại di chỉ tháp Gò Xoài, tỉnh Long An. Tại Phú Yên, nhiều phiến đất nung mặt trước tạo hình Đức Phật, mặt sau khắc các dòng chữ Phạn được phát hiện, ví dụ chùa Hồ Sơn và Hòn Miếu ở thị xã Tuy Hòa (trích từ thống kê của Tiến sĩ Lê Đình Phụng trong bài “Phật giáo Chămpa qua tư liệu khảo cổ học”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2-2003).

Kiểu thức này rất giống với tấm bia bằng đất nung tạo hình Đức Phật ngồi mặt trước và bài kệ Duyên khởi viết phía sau được phát hiện tại làng Phước Tịnh (Phú Yên) được phát hiện cách đây hơn trăm năm theo ghi nhận thông tin của nhà nghiên cứu Champa người Pháp là Henri Parmentier (trong bài “Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam” (Kiểm kê mô tả di tích Chăm của Việt Nam, tài liệu tiếng Anh do nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cung cấp). Từ thông tin này của Parmentier, chúng ta có thể đoán định văn tự sau các phiến đất nung do Tiến sĩ Lê Đình Phụng miêu tả ở trên cũng là bài kệ Duyên khởi.

Như vậy, có thể thấy, có sự tương đồng khá lớn trong tín ngưỡng Phật giáo của người Chăm ở một số nơi tại miền Trung và miền Nam với tín ngưỡng Phật giáo của người Chăm ở Gia Lai. Điều đó cũng có nghĩa rằng, văn hóa của người Champa đã hiện diện tại Gia Lai từ hàng ngàn năm trước và đó không phải là hiện tượng cá biệt, mà có tính thống nhất khá cao trong tín ngưỡng Phật giáo của người Chăm xưa.

Có thể bạn quan tâm